Mẹo để tránh bệnh nhiệt trong những đợt nắng nóng

21/07/2021 05:42

Khi mùa hè đến, từ trẻ em đến người già, đặc biệt là những người làm việc ở môi trường nắng nóng có nguy cơ gặp các bệnh liên quan đến nhiệt như say nóng hoặc sốc nhiệt, thậm chí có khả năng đe dọa đến tính mạng.

Say nóng là một dạng bệnh nhiệt nhẹ hơn có thể xảy ra sau khi một người tiếp xúc với nhiệt độ cao mà không uống đủ nước. Say nắng xảy ra khi nhiệt độ bên trong cơ thể lên đến 40⁰C. Say nắng có thể gây co giật hoặc hôn mê và nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến đau tim và tử vong.

Grant Lipman, giáo sư lâm sàng về y học cấp cứu tại Trường Y khoa, Đại học Stanford (Mỹ) cho biết say nắng có thể làm hỏng các tế bào quan trọng của hệ thần kinh trung ương và các hệ thống khác của con người.


Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiệt

Các dấu hiệu của say nắng và say nóng khác nhau về một số mặt. Say nóng thường sẽ gây đổ mồ hôi nhiều và da xanh xao, chóng mặt hoặc ngất xỉu, nhức đầu, chuột rút hoặc yếu cơ, buồn nôn hoặc nôn, và mạch đập nhanh. Mặt khác, say nắng được biểu hiện qua việc thiếu mồ hôi, cùng với đó là da đỏ, nóng và khô. Người bị say nắng cũng có thể bị đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu, tim đập nhanh và mạnh, buồn nôn hoặc nôn.

Những người dễ bị bệnh nhiệt bao gồm những người tập thể dục trong môi trường nóng và ẩm ướt, có thể bao gồm cả trẻ em trong các khóa huấn luyện thể thao và cắm trại vào mùa hè. Người cao tuổi cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh nhiệt, cũng như bất kỳ ai dùng thuốc điều trị huyết áp cao và các vấn đề về tim (thuốc chẹn beta và thuốc lợi tiểu) và các triệu chứng dị ứng (thuốc kháng histamin).

Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ, bởi vì mang theo trọng lượng quá mức có thể khiến cơ thể giữ nhiệt nhiều hơn. Ngoài ra, những người không quen với nhiệt độ cao, chẳng hạn như những người sống ở vùng có khí hậu lạnh quanh năm, và những người làm việc ở ngoài trời có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Cách xử trí

Những cách tốt nhất để giúp người bị say nóng khác với những cách được khuyến nghị cho người bị say nắng. Dưới đây là những lời khuyên tốt nhất:

- Uống nước mát, đặc biệt là đồ uống thể thao và nước lọc. Đồ uống có chứa cafein và cồn là những chất lợi tiểu và sẽ khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, vì vậy hãy tránh những đồ uống đó. Giữ nước uống mát thay vì lạnh, vì nước lạnh có thể gây co thắt dạ dày.

- Nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát. Có thể nghỉ ngơi ở trong phòng có điều hòa hoặc ít nhất là một nơi râm mát bên ngoài. Nằm ngửa, hai chân để cao hơn tim.

- Thử các biện pháp làm mát, chẳng hạn như tắm nước mát. Bạn cũng có thể đắp khăn đã ngâm nước lạnh lên da. Nếu bạn đang ở ngoài trời và không có vòi, hãy tìm một cái ao hoặc dòng suối mát để đứng.

- Nới lỏng quần áo của bạn. Cởi bỏ bất kỳ quần áo nào bạn không cần và đảm bảo quần áo của bạn nhẹ và không bó buộc vào người.

Đối với trường hợp bị say nắng, hay gọi trợ giúp y tế ngay lập tức. Trong khi chờ trợ giúp đến, hãy làm như sau:

-  Đưa người đó đến một nơi mát mẻ.

- Thực hiện các biện pháp làm mát, chẳng hạn như lấy một cái khăn ngâm vào nước lạnh và di chuyển dọc theo da của người đó cũng có thể hữu ích.

- Theo dõi nhiệt độ cơ thể. Đo nhiệt độ của nạn nhân và tiếp tục các biện pháp làm mát cho đến khi nhiệt độ cơ thể của họ giảm xuống 37-38 ⁰C.

- Cho nạn nhân uống nước nếu họ tỉnh táo, tránh đồ uống có đường, cafein và đồ uống có cồn.

Cách phòng bệnh

- Uống nhiều chất lỏng. Tránh cà phê, trà và rượu. Một khi bạn khát, cơ thể bạn đã mất ít nhất nửa lít nước.

- Hạn chế tập thể dục trong môi trường nóng ẩm. Hãy từ từ, đặc biệt là vào khoảng giữa trưa và đầu giờ chiều, khi nhiệt có khả năng cao nhất.

- Luôn trang bị đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ, mũ, kính.

- Mặc quần áo nhẹ và thoáng khí. Ưu tiên chọn quần áo dệt bằng vải bông và tơ, lụa nhưng có màu nhạt.

- Chờ để thích nghi. Nếu bạn không quen với nhiệt độ cao, hãy đợi trong nhiệt độ cho đến khi bạn quen với chúng.

Theo VOV

(0) Bình luận
Mẹo để tránh bệnh nhiệt trong những đợt nắng nóng