Chị càng thấm thía “mẹ già như chuối chín cây” nên bao nhiêu giận hờn trong lòng chị tiêu tan, chỉ còn tình thương mẹ trào dâng.
Thấy mẹ sút cân, ăn không ngon, đêm hay tỉnh giấc và sì sục khó ngủ, chị giục anh đưa mẹ đi viện khám tổng thể. Kết quả xét nghiệm máu, chiếu chụp, siêu âm, bác sĩ kết luận mẹ bị ung thư dạ dày đã di căn. Anh không tin nên đưa mẹ đi khám ở hai bệnh viện nữa, kết quả vẫn như thế. Chị bàng hoàng cả người còn anh thì bần thần, mắt hoe đỏ. Bình thường mẹ vẫn trồng rau, nuôi gà, phụ giúp chị việc nhà, cơm nước. Anh chị làm việc hành chính ở cơ quan nên cũng bó buộc thời gian. Nhà có ba anh em nhưng anh là lớn nên trách nhiệm chăm sóc mẹ anh vẫn luôn nhận về mình.
Anh quyết định nghỉ không lương một thời gian để ở nhà chăm mẹ. Lúc đầu chị không hài lòng nhưng lại nghĩ mẹ chẳng sống được bao lâu nữa, không thể để mẹ thui thủi một mình. Thôi thì nhịn ăn, nhịn tiêu, tất cả dồn vào lo chữa bệnh cho mẹ. Bác sĩ khuyên đưa mẹ về nhà tĩnh dưỡng, không mổ được, không xạ trị được vì khối u di căn khắp nơi, vào gan, lên cả thực quản. Anh chị bàn với các em phải giấu mẹ bệnh tật hiểm nghèo để mẹ không lo nghĩ. Anh sợ mẹ suy sụp tinh thần thì bệnh càng nặng thêm. Mẹ chỉ biết là mình bị viêm loét dạ dày, phải uống thuốc đều đặn, ăn uống kiêng khem. Mấy tháng trời chị nấu cháo cho mẹ, thấy mẹ tăng được vài kg, chị đã mừng thầm. Nhưng từ ngày đi viện về, mẹ càng khó tính, hay cáu gắt vô cớ, có lúc không khiến con dâu dọn phòng và tắm gội cho. Hễ cô út về chơi là mẹ “kể tội” chị: nào là đi suốt, phó mặc việc nhà cho chồng, nấu cái gì cũng mặn đắng... Cũng may em chồng là người hiểu biết nên động viên chị: “Mẹ bị bệnh nên mới như thế, chị đừng để bụng nhé”.
Đồng nghiệp của anh chị và họ hàng, xóm giềng đến chơi, cho quà mẹ, mẹ gói lại một bọc, chờ con dâu thứ về thì giấm dúi: “Mẹ gửi con, con gửi tiết kiệm hộ mẹ nhé, đưa cho vợ chồng nhà này thì bao nhiêu cho đủ. Chúng nó tiêu hoang lắm”. Em dâu lại gọi chị ra một góc, kín đáo ấn vào tay chị bọc tiền: “Anh chị cần mua thuốc gì cho mẹ thì cứ lấy tiền này mà mua, em không gửi tiết kiệm như mẹ dặn đâu. Khổ! Cả đời mẹ chắt bóp, tằn tiện. Giờ mẹ thích ăn gì thì chị cứ mua cho mẹ ăn nhé!”. Nghe em dâu kể lại, chị giận mẹ lắm. Chị là dâu trưởng, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều đến tay. Tiền viện phí, thuốc thang, ăn uống chị lo hết. Dù ở cùng vợ chồng chị nhưng có mấy triệu tiền lương hưu mẹ cũng giữ chặt, tích lại đòi gửi tiết kiệm nhưng không bao giờ đưa chị gửi hộ mà chỉ đưa dâu thứ. Em dâu cũng biết điều, cứ mẹ đưa bao nhiêu thì đưa lại cho chị bấy nhiêu. Thi thoảng vợ chồng em còn đưa thêm tiền để chị tẩm bổ cho mẹ. Các em đều biết anh chị vất vả hơn nên hễ về thăm mẹ được là về ngay.
Chỉ vì chị tự ý lôi chăn màn trong phòng mẹ ra giặt giũ, phơi phóng nhân ngày trời nắng mà mẹ giận dỗi, đòi sang nhà con trai thứ ở. Chồng chị nói thế nào mẹ cũng không nghe. Chị nín nhịn gói ghém quần áo, thuốc men rồi bắt taxi đưa mẹ sang nhờ em dâu chăm sóc một thời gian rồi chị lại đón mẹ về. Em dâu nhăn nhó: “Em không ngại gì cả, chỉ là vợ chồng em đi làm suốt ngày, các cháu thì nô nghịch ầm ĩ. Em sợ mẹ càng mệt thêm”. Mẹ gạt đi: “Mệt là mệt thế nào. Cứ cho mẹ đi”. Em dâu nháy chị thì thầm không để mẹ nghe thấy: “Em sợ mẹ đi chơi dối già chị ạ”. Chị bần thần, dặn em dâu: “Mẹ thích gì chị em mình cố gắng chiều ý mẹ để mẹ vui nhé!”.
Chưa được một tuần, em dâu đã gọi điện báo vợ chồng chị rằng: “Mẹ đòi sang ở nhà cô út. Mẹ bảo ở nhà em không ngủ được”. Anh sốt ruột, muốn đi đón mẹ về nhưng chị khuyên: “Em nghĩ mẹ chẳng ở đó lâu đâu. Cứ để mẹ chơi nhà con gái một thời gian cho thoải mái. Em sợ vài tháng nữa mẹ có muốn cũng không thể đi được”.
Ba ngày sau, cô út bắt taxi đưa mẹ về. Mẹ bảo: “Nhớ nhà lắm, chẳng đâu bằng nhà mình. Thôi! Từ rày mẹ chẳng đi đâu nữa”. Chị khoác tay dìu mẹ vào nhà. Mẹ thều thào: “Mẹ thèm ăn cháo con nấu”. Chị vội vã vào bếp bắc nồi cháo. Mẹ ăn chẳng được bao nhiêu. Nhìn mẹ nuốt từng thìa cháo khó nhọc mà nước mắt chị ứa ra. Chị ngoảnh đi lau vội, sợ mẹ nhìn thấy. Lúc này, chị càng thấm thía “mẹ già như chuối chín cây” nên bao nhiêu giận hờn trong lòng chị tiêu tan, chỉ còn tình thương mẹ trào dâng.
NAM HỒNG