Theo Phong về ra mắt gia đình anh, Linh không ngờ lại được mẹ chồng tương lai “phỏng vấn” liên hồi, nào là cầm tinh con gì, sinh tháng mấy, ngày giờ nào?
Bà còn cẩn thận lấy giấy bút ra ghi ghi chép chép. Lúc ấy Linh chẳng hiểu bà hỏi thế để làm gì. Mãi sau này, khi hai gia đình bàn ngày hỏi cưới thì Linh mới vỡ lẽ, hóa ra mẹ Phong tìm hiểu ngày sinh tháng đẻ của cô để đi xem bói. Trước đông đủ đại diện của nhà trai, nhà gái, bà chẳng giữ ý, cứ xổ toẹt một tràng: “Căn cứ vào ngày sinh tháng đẻ thì con Linh và thằng Phong không hợp nhau, chẳng qua hai đứa yêu nhau nên tôi buộc phải chấp thuận. Để giải xui thì phải rước dâu ba lần”. Linh nghe được, giận dỗi, bỏ ra ngoài. Phong phải chạy theo, dỗ mãi cô mới chịu mở lời: “Em không nghĩ thời đại này mà vẫn có người mê tín như mẹ anh”. “Em phải thông cảm cho mẹ! Mẹ cũng chỉ vì lo cho chúng mình nên mới nói vậy thôi.”
Quả nhiên, đám cưới của Linh và Phong diễn ra vất vả hơn bình thường, chỉ vì chuyện rước dâu tới ba lần mà hai lần đầu toàn vào thời điểm oái oăm: hai giờ đêm và năm giờ sáng. Cô dâu phải tự trốn về một mình, không để nhà trai nhìn thấy. Linh nhăn nhó, mệt mỏi, bộ mặt thiểu não, không thể cười nổi vì cả đêm thức trắng, không có thời gian chợp mắt. Linh thầm nguyền rủa “thầy bói chết tiệt” khiến đám cưới của cô trở thành cực hình. Để ngày vui của đôi trẻ diễn ra êm ả, suôn sẻ nên nhà gái không muốn lên tiếng phản đối dù thấy cái việc đón dâu vào ban đêm thật vô lý.
Vừa chân ướt chân ráo về nhà chồng, Linh đã nếm đủ cái sự mê tín của mẹ chồng. Đầu tiên, bà bắt vợ chồng Linh kê lại giường cho “đúng phong thủy” để còn mau sinh quý tử. Sau đó bà mời thầy cúng làm lễ giải hạn cho Linh vì bà bảo rằng Linh có “căn cao số nặng”, bị sao xấu chiếu mệnh, dễ mang vận đen về nhà. Suốt hai tiếng đồng hồ thầy cúng khấn vái, gõ mõ thì Linh phải quỳ và đội một mâm lễ nặng khự ở trên đầu với đủ các loại bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt… Đầu Linh bị đau cả tuần sau đó.
Chiều lòng mẹ chồng, Linh cố gắng nín nhịn, chỉ biết thở ngắn than dài với chồng nhưng Phong xuê xoa: “Tính mẹ thế, em chịu khó nghe lời mẹ thì êm cửa êm nhà”. Đến lúc này Linh mới biết, cái sự mê tín của mẹ chồng cô đã chi phối cả bố chồng và chồng cô. Hai người đàn ông trong nhà chẳng bao giờ lên tiếng can ngăn, để mặc bà muốn làm gì thì làm. Tháng nào bà cũng đi xem bói nên bà thuộc vanh vách địa chỉ các thầy bói trong vùng. Khi thì bà xem chân gà, khi thì xem lá trầu quả cau, thậm chí bà giấu cả đôi dép của Linh mang đi cho “thầy” phán. Thầy khuyên thế nào thì bà về làm theo thế ấy. Đến khi Linh có thai, mẹ chồng bắt cô phải đọc năm quyển kinh mỗi tối để “dễ đẻ” thì cô không thể chịu đựng được nữa. Cô dẫn chuyện sách vở, khoa học ra để khuyên nhủ mẹ chồng thì bà gạt đi ngay lập tức và cho rằng “trứng khôn hơn vịt”.
Cô sinh con đầu lòng là gái khiến mẹ chồng chưng hửng, buột miệng ở cửa phòng hộ sinh: “Ơ hay, đã làm theo lời thầy, kê đầu giường về hướng đông bắc rồi cơ mà. Chắc hai đứa bay lúc ngủ xoay đầu hả?”. Linh nhét bông vào tai, không muốn nghe, còn Phong thì giả điếc.
Hôm làm đầy cữ cho cháu nội, mẹ chồng Linh liệt kê một danh sách những đồ phải sắm để bà cúng mụ rồi bắt Phong đi mua. Bà yêu cầu Linh sang phòng khác kẻo “mất thiêng”, để cháu gái nằm giữa giường và bày biện đủ thứ, đồ sống có, đồ chín có, cả đồ chơi và vàng mã ở xung quanh con bé rồi đốt hương xì xụp khấn vái. Được mấy phút, con bé khóc ngằn ngặt, Linh hoảng hốt chạy sang, vết khâu khi đẻ chưa lành bục ra, đau nhói. Bữa đó mẹ con Linh phải đi viện cấp cứu vì em bé hít phải khói nhang, bị ảnh hưởng phổi. Lần đầu tiên từ khi về làm dâu, Linh thấy bố chồng quắc mắt lên quát mẹ chồng “ngớ ngẩn, dại dột”, còn Phong thì rên rỉ: “Bà hại cháu bà rồi”. Riêng Linh, muốn giữ hòa khí với mẹ chồng nên cô nhờ bác sĩ giải thích cho mẹ chồng cô hiểu, rằng chút nữa thì cháu bà đã nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì cái bệnh mê tín của bà. Mặt bà tái xanh tái mét, miệng lầm rầm chửi rủa lão thầy bói “xui dại”. Bà nhủ thầm: “Thôi, từ nay thì cạch đến già, không bói với toán gì nữa”.
TRẦN THỊ LÀNH