Lùm xùm dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương. Bài cuối: Dân thiệt, chính quyền gặp khó

01/09/2018 10:43

Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương triển khai quá chậm đã ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của tỉnh và sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kinh Môn.


Hàng chục hộ dân ở xã Lê Ninh không được tu sửa, xây dựng các công trình dù đã xuống cấp trầm trọng do nằm trong vùng quy hoạch dự án

Đặc biệt, sự chậm trễ của dự án đã làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh.

"Đi cũng dở, ở không xong"

Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương từng được chính quyền và nhân dân địa phương mong ngóng bao nhiêu thì nay lại thất vọng bấy nhiêu vì đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong vùng. Nhiều hộ dân trong khu vực thu hồi đất phục vụ dự án lâm vào tình cảnh "đi cũng dở, ở không xong".

Một ngày mưa cuối tháng 8, con đường đất lầy lội dài hơn 1 km nối từ trung tâm xã Phúc Thành đến xóm Đồng Mủng, thôn Thái Mông như dài hơn. Phần lớn diện tích ở đây nằm trong khu vực thu hồi để phục vụ dự án bãi thải xỉ 1 của nhà máy. Các hộ đã được kiểm kê tài sản từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường tài sản trên đất và di dời đến khu vực tái định cư.

Ông Lê Văn Thử ở xóm này ngậm ngùi: "Gia đình tôi có gần 2.000 m2 đất thổ cư trong diện phải thu hồi. Mọi tài sản, công trình phải giữ nguyên hiện trạng. Nhiều năm nay, gia đình tôi sống trong căn nhà cấp 4 chật chội, các công trình phụ đã cũ và xuống cấp trầm trọng nhưng không được tu sửa. Sau khi cưới vợ cho con, vì không có chỗ ở nên vợ chồng nó phải đi ở nhờ. Gia đình tôi muốn kiến thiết thì không được mà chuyển đi nơi khác thì không có tiền. Tình trạng này không biết kéo dài đến bao giờ". Đó cũng là tình trạng chung của hàng chục hộ dân khác ở xã Phúc Thành.

Ông Vũ Văn Tỉnh ở xóm Hủng Mông, thôn Tiên Xá, xã Lê Ninh (Kinh Môn) cũng bức xúc cho biết các công trình chật chội, xuống cấp không được xây dựng đã đành, nhưng nguồn thu chính từ trồng trọt, chăn nuôi cũng bị hạn chế. Cây cối cằn cỗi, người dân không dám đầu tư nên không được thu hoạch hoặc năng suất rất thấp. Cây chết không dám trồng lại vì phải giữ nguyên hiện trạng theo yêu cầu.

Sự chậm trễ trong triển khai dự án này còn làm cho việc xây dựng nông thôn mới ở đây cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2016 và 2017, các xã Lê Ninh, Phúc Thành tập trung xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn để bảo đảm tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Trong khi tỉnh hỗ trợ xi măng cho các địa phương để làm đường bê tông thì tại khu vực này có một số tuyến đường đất nhỏ, người dân đi lại khó khăn vẫn không được đầu tư do nằm trong vùng quy hoạch. 

Lúng túng

Dự án kéo dài nhiều năm làm cho chính quyền địa phương phải gồng mình xử lý hậu quả. Việc chậm hoàn thiện hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch dự án làm cho địa phương gặp khó khăn trong việc xác định mốc giới thu hồi đất. Thiếu thông tin quy hoạch của chủ đầu tư, chính quyền xã không có căn cứ thực hiện và giải đáp nguyện vọng chính đáng của người dân.

Ông Lương Văn Hè, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết từ năm 2011 đến nay, chính quyền xã phải tổ chức rất nhiều cuộc họp dân. Có nội dung đã họp, thống nhất từ nhiều năm trước nhưng vì chủ đầu tư không triển khai dự án ngay nên người dân rất bức xúc. Khi dự án khởi động lại và có sự thay đổi về quy hoạch thì chính quyền địa phương lại phải tổ chức họp dân. Người dân ở khu vực gần dự án nhiều lần lên trụ sở UBND xã để hỏi thông tin liên quan đến việc thực hiện dự án. Lãnh đạo xã cũng không có thông tin cụ thể về quy hoạch điều chỉnh dự án để trả lời người dân.

Việc chậm triển khai dự án là do lỗi của chủ đầu tư khi không thu xếp được vốn. Năng lực tài chính yếu của nhà đầu tư đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện từ sớm. Cụ thể, trong công văn góp ý thẩm tra hồ sơ dự án này vào tháng 1.2011, Bộ Tài chính đã từng góp ý là chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Tiếp đó, tháng 5.2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhà đầu tư Jaks Pacific Power Ltd mới được thành lập ngày 8.11.2010 với vốn điều lệ khoảng 26,6 triệu USD. Tập đoàn Công ty Jaks Resources Bhd có vốn chủ sở hữu 146,67 triệu USD, không đủ vốn để góp vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu. Dù vậy, dự án này vẫn được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Để thực hiện dự án, tỉnh dự kiến phải thu hồi khoảng 400 ha đất. Địa điểm thứ nhất của dự án có gần 1.400 hộ dân bị ảnh hưởng. Địa điểm thứ hai có khoảng 200 hộ dân đang sinh sống phải di dời tới khu tái định cư. Xác định được tầm quan trọng của dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Kinh Môn phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Suốt 8 năm qua, UBND huyện Kinh Môn đã rất vất vả trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng. Nhiều văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và xin phương án xử lý đã được gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh. UBND tỉnh cũng đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xung quanh việc chậm trễ của dự án này.

Dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh nhưng thẩm quyền quản lý lại thuộc các bộ, ngành của Trung ương. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, giữ ổn định tình hình địa phương, đề nghị các bộ, ngành Trung ương đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư tích cực triển khai dự án theo đúng tiến độ. Cần xử lý kiên quyết nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lùm xùm dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương. Bài cuối: Dân thiệt, chính quyền gặp khó