Lo Tết cho công nhân hết việc

11/12/2022 09:13

Có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Con số này có cả Hải Dương.

Càng gần cuối năm, chúng ta càng buồn hơn khi nghe những thông tin liên quan đến việc người lao động bị mất việc làm. Tại hội nghị trực tuyến về tình hình cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp chiều 28.11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Con số này được thống kê tại 44 địa phương (trong đó có Hải Dương), chủ yếu từ giữa năm đến nay và chỉ với lao động có giao kết, hợp đồng trong doanh nghiệp. Dự báo làn sóng phải nghỉ việc này có thể còn tăng cao vào dịp cận Tết và sẽ kéo dài đến giữa năm 2023.

Ảnh minh họa

Việc lao động mất việc dịp cuối năm không phải quy luật thường thấy của thị trường lao động trong những năm gần đây. Theo tổng hợp, phân tích của Công đoàn, việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí. Nguyên nhân do hàng loạt doanh nghiệp mất đơn hàng dịp cuối năm khi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cắt giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn về nguyên liệu, chi phí tăng cao cộng với việc chịu biến động từ tình hình thế giới. Không loại trừ khả năng có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, bảo hiểm xã hội và chế độ khác hoặc thanh lọc đẩy lao động trên 35 tuổi khỏi doanh nghiệp để tuyển người trẻ hơn, chi phí thấp hơn...

Trước thực trạng này, Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tăng cường nắm bắt tình hình việc làm, đời sống đoàn viên, người lao động. Đối với những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, công đoàn cơ sở phối hợp doanh nghiệp giữ việc làm cho người lao động, nhất là lao động mang thai, đang nuôi con nhỏ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh rà soát và gửi báo cáo việc tuyển dụng, sử dụng, cắt giảm lao động trong tháng 11 và 3 tháng tới. Việc cắt giảm hoặc dự kiến cắt giảm lao động phải nêu rõ lý do.

Dù với nguyên nhân gì thì việc lao động mất việc đã khó khăn, mà mất vào dịp cuối năm lại càng khó khăn hơn. Có tiếp xúc với công nhân, lao động, đặc biệt là những người xa quê, phải đi ở trọ mới thấy cuộc sống của họ vẫn bộn bề khó khăn. Theo một báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh trong năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ở mức hơn 7,7 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, trong bối cảnh mức tiêu dùng hiện nay thì người lao động phải căn cơ lắm mới có chút tiền tích lũy lo cho cuộc sống. Bởi vậy, vào dịp cuối năm, hầu hết họ đều mong ngóng khoản tiền hỗ trợ như thưởng năng suất, lương tháng thứ 13... của doanh nghiệp để chi tiêu trong dịp Tết. Vậy nên mất việc vào dịp cuối năm càng đẩy người lao động vào thế khó lại thêm khó.

Cho nên, cuối năm nay nếu người lao động buộc phải nghỉ vì hết việc thì tổ chức công đoàn, cán bộ công ty, xí nghiệp cần quan tâm thấu đáo để người lao động bớt cảnh Tết... buồn. Có thể can thiệp để họ được nhận một phần tiền, quà hỗ trợ dịp Tết của công ty hoặc nhận quà của công đoàn tính theo thời gian và công sức làm việc họ đã bỏ ra trong năm. Cán bộ công đoàn cơ sở cần sát sao giám sát, trường hợp công ty vin cớ ít việc để thanh lọc lao động trên 35 tuổi phải can thiệp kịp thời để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Nếu vướng mắc có thể báo cáo lên công đoàn cấp trên, ngành chức năng can thiệp, xử lý. 

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo Tết cho công nhân hết việc