Góc nhìn

Có nên chi 9.200 tỷ đồng miễn học phí cho con giáo viên?

LINH AN 14/10/2024 05:30

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên đang nhận được nhiều ý kiến của công chúng, gồm cả bạn đọc Báo Hải Dương với đa số chưa đồng tình.

00:00

de-xuat-mien-hoc-phi.jpg.jpg
Một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã miễn, giảm học phí cho toàn bộ học sinh các cấp học

Dù báo chí đã thông tin rộng rãi nội dung trả lời phỏng vấn của ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về lý do đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác, nhưng dư luận vẫn rất quan tâm, có nhiều ý kiến chưa hoàn toàn đồng tình.

Đề xuất trên được thông tin rộng sau cuộc họp cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật Nhà giáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/10. Tại đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất nội dung trên, cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.

Hôm 9/10, chỉ sau 5 giờ Fanpage Báo Hải Dương đăng dòng trạng thái “Đề xuất chi 9.200 tỷ đồng miễn học phí cho con giáo viên” kèm nội dung bài báo đã nhận được trên 700 lượt tương tác, gần 500 lượt bình luận... Con số trên đã cho thấy có rất nhiều người quan tâm đến thông tin này.

Tiếp đó, ngày 11/10, khi có thông tin lý giải của ông Vũ Minh Đức trên báo chí, Fanpage Báo Hải Dương đăng dòng trạng thái"Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên là nguyện vọng của nhà giáo" kèm theo nội dung bài báo, đến ngày 13/10 cũng đã nhận được 615 lượt tương tác, trên 450 lượt bình luận...

Xin trích đăng một số bình luận của bạn đọc vào các dòng trạng thái trên: “Con giáo viên cũng như con người khác. Khi bậc lương tăng lên đủ sống, mỗi người đều có trách nhiệm nuôi bố, mẹ, con cái. Không thể đề xuất vậy được”; “Ưu đãi cho giáo viên vùng sâu, vùng xa và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn thì được...”; "Hàng triệu công nhân và người lao động cũng muốn con của họ được miễn tiền học phí... Mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng"...

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Minh Đức cho biết đề xuất trên tương tự như ưu đãi đặc thù với thân nhân chiến sĩ. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất phát từ một số lý do, thứ nhất là từ nguyện vọng chung của đội ngũ nhà giáo khi Bộ lấy ý kiến. Thứ hai là trong thực tế, có những ngành có tính chất đặc thù, được ưu đãi với thân nhân của người làm trong ngành. Ví dụ, người thân của cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang được miễn phí bảo hiểm y tế.

Trả lời về việc đề xuất này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều, ông Vũ Minh Đức cũng cho biết, đây đang trong quá trình xây dựng luật và dư luận xã hội, cử tri, nhân dân đóng góp ý kiến là hết sức bình thường.

Đành rằng, giáo viên là nghề vất vả. Chưa kể trong số hơn 1,05 triệu nhà giáo đang hưởng lương từ ngân sách trong cả nước, hiện có rất nhiều nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi... với nhiều thiệt thòi, khó khăn, gian khổ. Thu nhập của đa số giáo viên nói chung chưa thực sự đáp ứng tốt đời sống...

Tuy nhiên, so với các lực lượng khác trong xã hội, vẫn còn nhiều trẻ em, con em công nhân, nông dân, người lao động... cũng còn khó khăn, thiệt thòi.

Do đó, dễ hiểu và dễ chung quan điểm với đa số ý kiến của dư luận, gồm các bạn đọc Báo Hải Dương về việc chưa hoàn toàn ủng hộ với đề xuất trên.

Miễn giảm học phí, hỗ trợ cho học sinh đã được các địa phương, các ngành, các cấp thực hiện bằng nhiều chính sách, hoạt động cụ thể. Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/10/ 2021, hiện có 2 đối tượng không phải đóng học phí, 19 đối tượng được miễn học phí và một số đối tượng được giảm học phí theo tỷ lệ %.

Một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai miễn, giảm học phí cho toàn bộ học sinh các cấp học. Cụ thể, Quảng Ninh vừa trở thành địa phương thứ 5 của cả nước miễn hoàn toàn học phí công lập từ mầm non đến hết lớp 12. Trước đó, Khánh Hòa chi 75 tỷ đồng để miễn học phí cho cấp mầm non và phổ thông công lập, gồm cả hệ giáo dục thường xuyên trong năm học này...

Như vậy, có thể thấy việc miễn học phí cho con em giáo viên chưa phải là việc bức thiết, chưa phải là nhóm đối tượng đặc biệt cần hỗ trợ ngay. Chưa kể, từ ngày 1/7, giáo viên trong toàn quốc đã được nhận mức lương từ 4,9 đến gần 15,9 triệu đồng một tháng, tùy cấp học và ngạch bậc. Giáo viên còn có điều kiện tốt hơn nhiều lực lượng khác về thời gian, trong việc nuôi dạy con em.

Việc thông tin sớm, công khai trên báo chí, trên các nền tảng mạng xã hội về đề xuất miễn học phí cho con em nhà giáo chính là cơ hội để cơ quan soạn thảo lắng nghe, tiếp thu chính xác, đầy đủ nhất ý kiến, nguyện vọng của đông đảo nhân dân để cân nhắc, tham mưu, đề xuất phù hợp.

Và, hy vọng tiếng nói của đông đảo nhân dân sẽ được lắng nghe - như khẳng định của ông Vũ Minh Đức với báo chí: "Chúng tôi sẽ đánh giá một cách kỹ lưỡng tác động của chính sách, điều kiện bảo đảm kinh tế - xã hội của đất nước, sự hài hòa giữa chính sách với nhà giáo và viên chức ở ngành, nghề khác để có điều chỉnh phù hợp".

Đề xuất trên là một trong nhiều nội dung đang được đề xuất trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc ngày 21/10 tới.

LINH AN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên chi 9.200 tỷ đồng miễn học phí cho con giáo viên?