Giáo dục

Lãnh đạo các quận Hà Nội giải trình việc thiếu trường công

Theo báo Tin tức 17/10/2023 19:20

Qua giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội mới đạt 72,7%, trong khi theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đến năm 2025 sẽ đạt 80 - 85%.

Chiều 17/10, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của Hà Nội.

Phiên giải trình nhằm mục đích đánh giá thực trạng công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông; phát hiện, làm rõ những tồn tại, hạn chế bất cập và những khó khăn vướng mắc liên quan, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị.

Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên giải trình

Áp lực tuyển sinh đầu cấp

Tham gia chất vấn, đại biểu Lâm Thị Quỳnh Giao (Tổ quận Nam Từ Liêm) cho biết, tình trạng thiếu trường công lập ở các địa phương tồn tại nhiều năm qua, gây quá tải cho các lớp học; từ đó tạo áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp, nhất là ở các quận Hoàng Mai, Đống Đa. Đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, các quận Hoàng Mai, Đống Đa cho biết giải pháp khắc phục.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội cho hay, khu vực trường học nội thành và ngoại thành đều quá tải, đặc biệt là ở khối tiểu học và THPT. Đại biểu Đoàn Việt Cường, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về việc đất xây dựng trường khu vực nội đô lịch sử khó khăn, cần làm rõ tính khả thi.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lâm Thị Quỳnh Giao, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: Hoàng Mai là quận đông dân nhất thành phố, với khoảng 700.000 người, trong đó hơn 100.000 trẻ trong độ tuổi đi học; mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 em.

Công tác tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn, có năm phải thực hiện bốc thăm đối với các trường mầm non. Với sự chỉ đạo của thành phố và triển khai nhiều giải pháp của quận, tình trạng này đã được khắc phục. Quận tập trung chủ yếu vào 4 biện pháp: Lập các kế hoạch tuyển sinh cụ thể, triển khai tuyển sinh trực tuyến, đẩy mạnh nhanh các dự án xây dựng trường học, khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập.

Chú thích ảnh
Chủ tịch quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, công tác tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn, quận vẫn thiếu 43 trường học

Trong 3 năm qua, quận Hoàng Mai đã triển khai xây dựng mới 23 trường học, tăng cường cải tạo, sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Các trường ngoài công lập, học sinh chiếm 19% số học sinh trên địa bàn, giúp giảm tải trường công lập. Tuy nhiên, quận Hoàng Mai vẫn đang thiếu 43 trường học…

Trong khi đó, ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, quận đang cần thêm 7 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia. Quận đã hoàn thành 13/33 dự án, chuẩn bị cho 9 dự án mới để đảm bảo số trường chuẩn theo quy định. Quận Đống Đa có diện tích đất cho các trường chật hẹp, hiện nay, bình quân 1 trường khoảng 60 lớp, trung bình số học sinh 40 - 60 học sinh/lớp…

Giải pháp tháo gỡ

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho rằng, giải pháp hiện nay cần có đủ điều kiện về đất, vốn. Về việc tăng số trường công lập, quận đã rà soát, chủ động báo cáo với thành phố phân cấp cho quận điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch; thu hồi các dự án chậm triển khai để ưu tiên xây dựng trường học. Quận đã bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, khi thành phố phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu đô thị; tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.

Liên quan đến giải pháp tháo gỡ, Chủ tịch quận Đống Đa cho rằng, quận tập trung đầu tư mạnh vào các dự án mới. Đồng thời, có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: thành phố đã triển khai quy chuẩn diện tích đất, trong đó cấp mầm non 8 m2/học sinh, THCS là 6 m2/học sinh. Các quận cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó rà soát quỹ đất dành cho công trình giáo dục.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn của đại biểu

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay, với 2,3 triệu học sinh, Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh đông nhất cả nước; mỗi năm lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh. Do đó, việc xây dựng trường học mới, kể cả trường công lập và ngoài công lập, mỗi năm cũng cần từ 30 - 40 trường học để đáp ứng.

Tại phiên chất vấn, bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, theo báo cáo của UBND thành phố, đến nay, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội mới đạt 72,7%, trong khi theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đến năm 2025 sẽ đạt 80 - 85%.

Bà Phùng Thị Hồng Hà thừa nhận, vấn đề quy hoạch, đầu tư cải tạo, xây dựng trường công lập; thu hồi các dự án chậm triển khai vi phạm Luật đất đai để bố trí xây dựng trường công lập; dành quỹ đất sau di dời để xây dựng trường công lập... đã được Thường trực HĐND thành phố giám sát nhiều kỳ, nhưng việc thực hiện các kiến nghị giám sát chưa có nhiều kết quả.

Chú thích ảnh
Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, phiên giải trình nhằm xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị

Căn cứ kết quả giải trình của các sở, ngành, quận, huyện và phương hướng, lộ trình, giải pháp; Thường trực HĐND thành phố sẽ thông qua kết luận phiên giải trình, tổ chức giám sát việc thực hiện, nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm giáo dục đào tạo của cả nước.

Theo báo Tin tức
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãnh đạo các quận Hà Nội giải trình việc thiếu trường công