Lao động - Việc làm

Làm việc tuổi xế chiều

MN 29/08/2023 14:00

Dù đã cao tuổi, chỗ làm xa xôi nhưng nhiều người vẫn không quản ngại, miễn là có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

z4627588664760_f058f4d6eb1eedc251950dee68198e33(1).jpg
Bà Phạm Thị Xới dậy từ rất sớm để chuẩn bị đồ ăn trưa

Ngày nào bà Phạm Thị Xới (60 tuổi) ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) cũng dậy từ 4 giờ 30 để chuẩn bị đồ ăn buổi sáng cho cả nhà và đồ ăn trưa cho mình. Cứ 6 giờ là xe ô tô đưa đón công nhân đón bà đến làm thời vụ cho một công ty chuyên sản xuất đồ chơi ở huyện Tứ Kỳ. Đi lại ngăn sông, cách đò nhưng bà không ngại. Vì làm thời vụ nên xưởng nào cần là gọi, lúc bà làm ở bộ phận hoàn chỉnh, lúc bên đóng gói, khi thì làm chỗ lắp ráp… Bà làm có lúc chậm chạp nhưng bù lại chăm chỉ nên ai cũng quý. Công việc đều, thường xuyên phải tăng ca đến 20 giờ 30 phút nên phải đến 22 giờ hoặc khuya hơn bà Xới mới về đến nhà vì xe ô tô còn dừng, trả công nhân ở nhiều điểm. Tuổi đã cao lại thường xuyên mất ngủ, thời gian nghỉ ngơi ít nhưng bà không mấy khi kêu mệt. Bà Xới cho biết: “Giờ còn sức khỏe thì đi làm thêm thắt tiền rau mắm hằng ngày, chứ ở quê tôi không làm đồng áng được nữa”.

Doanh nghiệp cấp suất ăn trưa cho công nhân nhưng để tiết kiệm, bà Xới báo không ăn cơm ở công ty để được nhận tiền về và chuẩn bị cơm từ nhà mang đi. Trước đây, bà Xới từng đi làm ở Hải Phòng, cách nhà khoảng 20 km, hằng ngày đạp xe điện đến chỗ làm. Sau này công ty giãn việc nên bà chuyển sang làm ở Tứ Kỳ.

z4624655987646_9fac153dfff67e1b0164ed8560461365.jpg
Ông Vũ Đức Tỉnh mỗi ngày đi 20 km từ Bình Giang lên TP Hải Dương làm việc

Dù cách nhà 20 km nhưng hơn chục năm nay ông Vũ Đức Tỉnh (64 tuổi) ở xã Cổ Bì (Bình Giang) ngày nào cũng đi làm bảo vệ tại một công ty sản xuất cám ở TP Hải Dương. Mỗi tháng thu nhập của ông cũng được gần 6 triệu đồng nếu đủ công. Ông Tỉnh trực ca đêm nên cứ 17 giờ hôm trước đi làm đến 17 giờ ngày hôm sau mới về. Ông Tỉnh chia sẻ: "Tầm tuổi này còn sức khỏe làm được như vậy là tốt rồi. Làm đâu quen đấy, cách đây vài năm có người bảo tôi tìm việc gần nhà cho đỡ vất vả nhưng tôi không chuyển".

Công việc của ông Tỉnh là giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, kiểm soát xe hàng ra vào. Tuy không mệt nhọc như những khâu khác nhưng ông thường xuyên phải tuần tra, chống trộm cắp, ngăn chặn phá hoại tài sản... Theo ông Tỉnh, khi nào còn sức khỏe thì còn làm để có thể tự nuôi bản thân, chưa cần phiền đến con cháu.

Tuổi xế chiều là lúc người ta được tận hưởng cuộc sống an nhàn, hạnh phúc bên con cháu nhưng hiện vẫn còn nhiều lao động U70. Mưu sinh đối với những người đang dồi dào sức khỏe cũng chẳng dễ dàng, với người cao tuổi lại càng vất vả hơn. Hiện nay, nhiều người chỉ cho phép bản thân nghỉ ngơi khi “mắt mờ, chân chậm”, bỏ mặc những tiềm ẩn rủi ro như nguy cơ tai nạn giao thông do khả năng quan sát, phản xạ kém, dễ đổ bệnh vì sức khỏe yếu, làm việc không năng suất…

Để người già không phải vất vả làm việc, Nhà nước, cộng đồng xã hội cần có chế độ phúc lợi tốt hơn cho người cao tuổi. Bản thân người cao tuổi cũng cần chọn công việc phù hợp với sức khỏe bản thân.

Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, người cao tuổi thuộc hộ nghèo từ 60-80 tuổi, không có người thân phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được hưởng 540.000 đồng/tháng. Người cao tuổi thuộc hộ nghèo đủ 80 tuổi trở lên, không có người thân phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được hưởng 720.000 đồng/tháng. Người cao tuổi từ 75-80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không thuộc 2 trường hợp nêu trên sống ở xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được hưởng 360.000 đồng/tháng. Người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc các trường hợp nêu trên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội được hưởng 360.000 đồng/tháng.

MN
(0) Bình luận
Làm việc tuổi xế chiều