Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đừng làm cho có

19/08/2023 10:18

Việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động được quy định rất rõ trong Bộ luật Lao động nhưng thực tế không ít doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất lại bớt xén, không tuân thủ hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó.


Công nhân tránh được các bệnh nghề nghiệp nếu được khám sức khỏe định kỳ chu đáo, đúng quy định (ảnh công ty cung cấp)

Khám qua loa

Hơn chục năm làm công nhân may, chị Hoàng Thị Thoa ở xã Nhân Quyền (Bình Giang) bị thoái hóa cột sống và loạn thị. Hiện chị Thoa phải tranh thủ những ngày nghỉ đi điều trị bệnh thoái hóa cột sống. Bớt đau lưng chị mới có thể ngồi máy may gần 8 tiếng mỗi ngày. Chị Thoa cho biết: “Thông thường mỗi năm công ty cho công nhân đi khám sức khỏe một lần nhưng mỗi lần khám có lẽ chỉ để cho đủ thủ tục và quy định. Họ khám rất qua loa, đại khái. Chẳng hạn như khi khám mắt, họ chỉ cho nhìn qua dãy chữ và hỏi xem có thường xuyên bị đau hay chảy nước mắt không? Khi khám đến phần tai, mũi, họng cũng khám rất nhanh và hỏi vài câu rồi ghi kết luận vào hồ sơ. Ngay cả khi tôi bị đau cột sống hỏi người khám thì họ lại hướng dẫn ra chụp chiếu ở một phòng khám tư nhân”.

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động ban hành năm 2015, doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động ít nhất một lần/năm. Đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lao động là người khuyết tật, cao tuổi, chưa thành niên thì phải được khám ít nhất 6 tháng một lần. 

Vì khám bệnh mang tính hình thức, đối phó nên phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân chưa tốt. “Nhiều công nhân mắc bệnh nghề nghiệp đến nặng mới phát hiện và đi điều trị. Bản thân tôi năm nào cũng đi khám sức khỏe định kỳ do doanh nghiệp tổ chức nhưng không phát hiện được bệnh hen phế quản mà phải đến khi ho nặng, lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra mới biết”, anh Nguyễn Văn H., công nhân của Công ty CP Cửu Long (TP Hải Dương) nói.

Thông tư 14/2013/TT-BYT năm 2013 của Bộ Y tế cũng quy định rõ, hằng năm, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; quản lý sổ khám sức khỏe. Nếu người lao động mắc bệnh sẽ được tư vấn phương án điều trị, phục hồi chức năng và sắp xếp công việc phù hợp. Trong thời gian khám chữa bệnh, người lao động vẫn được trả lương như những ngày thường. Quy định rất cụ thể nhưng không ít doanh nghiệp vì muốn cắt giảm chi phí mà không mấy quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Không những vậy, không ít công nhân chỉ quan tâm đến mức lương, thưởng mà chưa chú ý đến quyền lợi được thăm khám sức khỏe đúng quy định. Nhiều người lại e ngại, sợ phản ánh về chất lượng khám chữa bệnh định kỳ chưa tốt thì sẽ gặp khó khăn trong quá trình làm việc. 

Qua kiểm tra thực hiện các quy định an toàn, vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát hiện không ít doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Có những doanh nghiệp tìm cách “né” hoặc tổ chức khám sơ sài để đối phó với các cơ quan chức năng hoặc tổ chức khám ở phòng khám, cơ sở tư nhân nhỏ để giảm bớt chi phí. 

Mới đây ngày 11.8,  Công ty CP Luyện kim Tân Nguyên Hải Dương Việt Nam ở khu 2, phường Phú Thứ (Kinh Môn) đã bị phạt 150 triệu đồng do thực hiện không đầy đủ các chế độ chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật. 

Chăm lo “tài sản” của doanh nghiệp

Công nhân, người lao động được coi là "tài sản" quan trọng của doanh nghiệp. Không có nguồn nhân lực tốt, giỏi tay nghề, thạo việc và khỏe mạnh thì doanh nghiệp khó phát triển. Để chăm lo tốt hơn cho đời sống người lao động, ngoài các chế độ, chính sách đãi ngộ thì việc khám sức khỏe cho người lao động chu đáo, đúng quy định cũng cần được thực hiện nghiêm túc.

Chị Phạm Thị Hoài, Phó Trưởng Phòng Hành chính, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) cho biết: “Khám sức khỏe định kỳ không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời bệnh nghề nghiệp của công nhân, từ đó có giải pháp cải thiện điều kiện làm việc kịp thời, chủ động sắp xếp đưa người lao động đến những bộ phận làm việc phù hợp".

Thời gian qua, không chỉ chú trọng khám sức khỏe định kỳ, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam còn thường xuyên phối hợp với phòng khám, đơn vị y tế kiểm tra sức khỏe, tư vấn khám sàng lọc một số bệnh như ung thư tuyến giáp, nội soi tiêu hóa cho công nhân. Không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất, công ty còn chú trọng nâng cao sức khỏe tinh thần...

Đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, yêu cầu khám sức khỏe định kỳ cho người lao động càng khắt khe và chu đáo hơn. “Họ coi đây là tiêu chuẩn để ký các đơn hàng với doanh nghiệp. Các thủ tục giấy tờ, các hoạt động khám chữa bệnh đều được giám sát, kiểm tra rất kỹ lưỡng. Vì vậy buộc các doanh nghiệp phải làm đúng, không thể qua loa, hình thức được”, anh Nguyễn Văn Giang, đại diện Công ty TNHH Hyundai Kefico ở khu công nghiệp Đại An cho biết.

Kiểm tra sát sao, xử phạt nghiêm với những đơn vị thiếu quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động rất cần thiết. Theo ông Lê Đức Minh, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải nhận thức đầy đủ rằng ngoài mức lương tốt thì công nhân, người lao động cũng cần được chăm sóc sức khỏe chu đáo, có như vậy họ mới thêm gắn bó với doanh nghiệp.

LAN ANH

(0) Bình luận
Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đừng làm cho có