Cuộc chiến duy trì trạng thái mới cam go, phức tạp hơn, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng hơn nữa của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Từ ngày 3.3, Hải Dương kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục tập trung cao độ, không một phút lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch, quyết liệt đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, đi cùng với đó là những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định đời sống nhân dân.
Trong lĩnh vực kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, các hộ kinh doanh cá thể... khôi phục sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn phòng dịch trong trạng thái mới. "Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế" trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Hải Dương. Trả lời báo chí, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Quang Phúc cho rằng ngừng thực hiện cách ly xã hội trên toàn tỉnh không có nghĩa là Hải Dương đánh đổi sức khỏe của nhân dân để lấy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng không vì chống dịch, khi dịch chỉ còn ở một vài điểm mà phong tỏa toàn bộ, đóng băng lâu hơn nữa các hoạt động sản xuất trong toàn tỉnh. Hải Dương đã xây dựng một kịch bản mới rất chi tiết, chặt chẽ sau dừng cách ly xã hội, xác định vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Quả thực sau thời gian phong tỏa, cách ly xã hội, nền kinh tế và nhiều hoạt động xã hội của tỉnh gần như bị đóng băng. Một đợt giúp nông dân tiêu thụ nông sản rầm rộ đã được thực hiện nhưng người dân vẫn chịu thiệt hại rất lớn. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng hoạt động. Nhiều đơn hàng không thể xuất cho đối tác. Hàng vạn công nhân phải nghỉ làm trong thời gian dài, cuộc sống gia đình lao đao. Thiệt hại về kinh tế rất lớn. Nhưng đáng lo hơn là nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất bạn hàng, mất thị trường.
Khi dịch bệnh xảy ra, ai cũng hiểu, tính mạng con người là quan trọng nhất. Vì thế, mọi người dân, doanh nghiệp trong tỉnh đều đã đồng lòng, chấp nhận thiệt hại về kinh tế, ủng hộ các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh. Đến lúc dịch được kiểm soát, nguy cơ lây lan ra cộng đồng đã được khống chế, nhu cầu mở cửa lại nền kinh tế lại cấp thiết hơn lúc nào hết. Hơn một năm chống chọi với dịch bệnh, sức khỏe của nhiều doanh nghiệp đã suy kiệt. Nếu tiếp tục kéo dài, chắc chắn nhiều doanh nghiệp không thể trụ nổi. Vì vậy, trạng thái mới “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” là sự lựa chọn phù hợp lúc này.
Tuy nhiên, để thực hiện 2 nhiệm vụ song song trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp là rất khó khăn. Chỉ cần một phút lơ là, chủ quan, “lỏng tay” của chính quyền và người dân là dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào. Chỉ cần doanh nghiệp, người lao động nóng lòng muốn mở cửa trở lại mà phớt lờ những cảnh báo, yêu cầu phòng chống dịch là bao công lao của cả hệ thống chính trị trong hơn 1 tháng qua sẽ đổ sông đổ bể. Cuộc chiến duy trì trạng thái mới cam go, phức tạp hơn, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng hơn nữa của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp vì sau một thời gian siết chặt, tâm lý xả hơi, chủ quan, tự mãn phần nào xuất hiện trong một bộ phận chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Bước vào trạng thái mới là cơ hội để Hải Dương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, chạy những bước đầu tiên tạo đà vững chắc cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Vì thế, các cấp, ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hãy đồng sức, đồng lòng tận dụng thời cơ quý báu nhưng phải hết sức cảnh giác với dịch bệnh để đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
VỊ THỦY