Nêu gương là nội dung rất nhân văn trong lãnh đạo của Đảng ta, bởi nó là sự tự giác cao trong vai trò lãnh đạo dẫn dắt phong trào.
Chính vì điều này mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm và nhiều lần nhắc nhở, trong các văn kiện của Đảng. Một lần nữa trong các công bố kết quả của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều thấy nhắc đến vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên và người đứng đầu.
Theo Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7.6.2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19.12.2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Với quy định nêu trên cho thấy cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Người đứng đầu càng gương mẫu thì càng có uy tín và khi đó vai trò lãnh đạo, dẫn dắt phong trào càng có ý nghĩa lớn, hiệu quả công việc càng cao.
Trong các ngày 20 và 21.12.2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 24
Tại thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ 24 ngày 20 - 21.12.2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhấn mạnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên và người đứng đầu để xảy ra vi phạm pháp luật: Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong đại dịch COVID-19; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, tiêu cực, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.
Hay như việc một số cán bộ đảng viên Ban cán sự đảng UBND tỉnh Thái Nguyên các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021, từ chủ tịch đến các phó chủ tịch, giám đốc, phó giám đốc một số sở, ban ngành…thiếu nêu gương để xảy ra vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, trong mấy ngày nay đang xét xử vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan, ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cùng bị xét xử về tội “nhận hối lộ”. Ông Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bị xét xử về tội “nhận hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bà Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, bị xét xử về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…Có lẽ với danh sách dài như vậy từ người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai về tội “nhận hối lộ” kéo theo lãnh đạo một số sở, ban, ngành cũng phải hầu tòa, mỗi chúng ta thấy đều rất xót xa cho đồng chí, đồng đội mình. Cũng qua đây cho thấy vai trò của trách nhiệm nêu gương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là bài học đắt giá cho việc buông lỏng trách nhiệm nêu gương như thế nào?
Mới nhất đây là ngày 22.12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về tội Nhận hối lộ. Ngay sau đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã họp biểu quyết thống nhất cao đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét khai trừ ra khỏi Đảng với ông Chử Xuân Dũng, Thành ủy viên, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch UBND thành phố (nhiệm kỳ 2021-2026).
Theo Thành uỷ, ông Chử Xuân Dũng đã có những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng. Ông suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; lợi dụng chức vụ quyền hạn vi phạm trong quá trình chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân từ nước ngoài về nước cách ly tại Hà Nội; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, vi phạm pháp luật.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 09/12/2021 đã nêu rõ: từ năm 2016 - 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 8.281 đảng viên bị kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, nhiều nhất là “không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả...”. Bên cạnh đó, còn có 477 đảng viên “nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Ngoài ra, còn có 2.216 đảng viên “gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động”; 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi…
Những vi phạm nêu trên cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý thậm trí là cán bộ cấp cao đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của trách nhiệm nêu gương; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, thiếu rèn luyện, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm; nói không đi đôi với làm, suy thoái tư tưởng, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, đứng đầu làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự.
Như vậy, với những số liệu nêu trên, một lần nữa cho thấy sự nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu còn rất hạn chế, chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa được quán triệt thường xuyên, nhận thức chưa đầy đủ về vai trò vị trí của trách nhiệm nêu gương.
Từ đó, đặt ra vấn đề nêu gương luôn phải được quan tâm đúng mức, trở thành lý tưởng và lẽ sống thường xuyên của cán bộ đảng viên và người đứng đầu. Bởi Đảng lãnh đạo bằng sự nêu gương, nêu gương ở đây chính là tấm gương sáng về đạo đức lối sống, nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt vì dân, vì nước, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Trách nhiệm nêu gương phải có nhận thức đúng, trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ đảng viên nhất là những người đứng đầu. Phát huy trách nhiệm nêu gương chính là củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam