Khơi dậy tiềm năng thị trường trong nước

16/07/2020 09:05

Thị trường trong nước luôn là bệ đỡ, giúp doanh nghiệp phát triển. Kinh nghiệm cho thấy doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần vừa quan tâm xuất khẩu, nhưng cũng chú trọng thị trường trong nước.

Để kích cầu tiêu dùng (KCTD) nội địa, Bộ Công thương đã triển khai “Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale-2020”. Đây là lần đầu tiên một chương trình khuyến mãi được tổ chức trên quy mô toàn quốc và trong thời gian dài tới 1 tháng (từ ngày 1-31.7). Chương trình diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cho thấy thị trường nội địa là cơ hội và sân chơi không kém phần hấp dẫn. 

Chương trình KCTD nội địa thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có cả những doanh nghiệp trước đây chỉ chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Các chương trình kích cầu không chỉ được thực hiện trên hình thức mua sắm truyền thống mà cả ở lĩnh vực thương mại điện tử và mức khuyến mãi cũng rất “khủng”, tối đa lên đến 100%.

Nhiều người cho rằng Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia được Bộ Công thương đưa ra lúc này chủ yếu để giúp các doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đánh giá trên cũng đúng một phần nhưng không hẳn vậy. Bởi triển khai chương trình vào thời điểm này là thích hợp để các doanh nghiệp đánh giá đúng hơn thị trường trong nước. Đối với những doanh nghiệp từ trước đến nay chỉ xuất khẩu thì sẽ phải đánh giá lại tiềm năng của thị trường nội địa, nghiên cứu lại phân khúc thị trường và tìm ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước khác vốn được coi là thị trường lớn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thì lại đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Việc các doanh nghiệp xuất khẩu về "tắm ao nhà" sẽ có lợi cho người tiêu dùng trong nước. Nhiều doanh nghiệp cùng cung cấp một loại hàng hóa thì tính cạnh tranh sẽ cao hơn, người dân có nhiều lựa chọn trong mua sắm với giá cả hợp lý…

Chương trình KCTD do Bộ Công thương phát động tập trung ở việc khuyến mãi, giảm giá, giới thiệu sản phẩm mới nhưng tác động của nó còn nhiều hơn thế. Ngoài kích cầu mua sắm, nhiều doanh nghiệp có cơ hội vực dậy sau dịch Covid-19, các chương trình này còn giúp các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội, nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng loạt hàng hóa nhập khẩu đã, đang và sẽ có cơ hội thuận lợi thâm nhập vào Việt Nam. Nhiều hiệp định thương mại tự do đã được áp dụng, nhất là Hiệp định tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới. Cũng có thể coi đây là cuộc tập dượt cần thiết cho các doanh nghiệp trong nước trước những tác động của các hiệp định thương mại tự do. Hàng hóa của các nước khác sẽ được hưởng những ưu đãi nhất định và dễ dàng có mặt trong nước. Chương trình này của Bộ Công thương cũng là hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển thị trường trong nước. 

Thị trường trong nước luôn là bệ đỡ, giúp doanh nghiệp phát triển. Kinh nghiệm cho thấy doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần đi cả hai chân, vừa quan tâm xuất khẩu, nhưng cũng chú trọng thị trường trong nước. Thành công này đã được chứng minh bằng vụ vải vừa qua, các doanh nghiệp trong tỉnh ngoài quan tâm xuất khẩu còn biết tận dụng tối đa thị trường trong nước để tiêu thụ quả vải. Bởi vậy dẫu thị trường Trung Quốc (chiếm thị phần lớn trong tiêu thụ quả vải) có gặp khó khăn do dịch bệnh thì giá vải vẫn ở mức cao, ổn định. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc của tỉnh cũng đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước khi thị trường xuất khẩu bị gián đoạn. Ngay thời điểm này cũng có không ít doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc trong tỉnh đang tìm kiếm và phát triển các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nội địa.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có lúc tạo được sức lan tỏa lớn từ thành thị đến nông thôn. Nhưng thực tế những năm gần đây cuộc vận động có phần lắng xuống. Do đó, chương trình KCTD nội địa này của Bộ Công thương có thể coi là sự khởi động cho một tiến trình mới giúp các doanh nghiệp và người dân quan tâm hơn đến thị trường, sản phẩm hàng hóa trong nước. Đây cũng là cách để giúp nền kinh tế của đất nước phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao.  

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi dậy tiềm năng thị trường trong nước