Chấp nhận một công việc lương thấp hơn, làm trái nghề hoặc ở nhà chờ việc là thực trạng của không ít lao động vừa ở nước ngoài về.
Trong thời gian chờ về nước, anh Phạm Văn Quỳnh làm những công việc tạm thời
Mắc kẹt vì dịch
Trở về nước từ tháng 3, anh Phạm Văn Quỳnh ở thôn Long Tràng, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) cảm thấy may mắn hơn so với nhiều lao động khác vẫn bị mắc kẹt tại Nhật Bản. Anh không nhớ chuyến bay của anh về nước bị trì hoãn bao nhiêu lần.
“Thủ tục đăng ký với đại sứ quán về nước đơn giản nhưng thời gian chờ lâu. Người về đông trong khi máy bay ít, tôi phải đợi vài tháng mới được về. Hợp đồng lao động trong 3 năm và hết hạn vào tháng 5.2020, trong thời gian chờ về Việt Nam, tôi phải chi tiêu rất tiết kiệm để cầm cự vì việc làm giảm đến 80%”, anh Quỳnh nhớ lại.
Tình hình dịch Covid-19 ở Nhật Bản diễn ra phức tạp, nhiều lao động như ngồi trên đống lửa khi thời hạn hợp đồng đã hết, chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản rất đắt đỏ. Một số công ty vẫn tạo điều kiện cho làm việc dù hết hợp đồng nhưng chỉ đủ cho công nhân phần nào trang trải ăn uống nơi xứ người.
Đặt chân về tới Việt Nam, chị Nguyễn Thị An ở thôn An Bộ, xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) và gia đình mới thấy yên tâm. Chị An về Việt Nam vào giữa năm 2020 sau 4 năm làm việc tại Kyoto (Nhật Bản). Chi phí về nước 40 triệu đồng, trong khi những đợt chưa có dịch thì chi phí chỉ khoảng 8-10 triệu đồng. Nhưng được về nước với chị An đã là may mắn với chị khi tình hình dịch ở Việt Nam được kiểm soát tốt.
Chật vật tìm việc
Niềm vui được về nước chỉ duy trì trong thời gian ngắn khi những lao động này phải tìm kế sinh nhai trong tình hình kinh tế khó khăn. Ảnh hưởng bởi dịch nên các công ty, doanh nghiệp chịu thiệt hại không ít. Hiện các công ty đang khôi phục sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng lao động mở rộng. Nhưng không phải lao động nào cũng tìm được công việc tận dụng những kinh nghiệm đã có khi làm việc ở nước ngoài. Lao động trong nước vốn đã khó thì lao động về nước sau xuất khẩu lao động (XKLĐ) khó khăn gấp đôi.
Hai tháng từ ngày trở về sau XKLĐ tại Lào, anh Phạm Văn Đợi ở thôn Quảng Giang, xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) vẫn chưa tìm được một công việc phù hợp với khả năng và kinh nghiệm đã có.
“Sau 4 năm làm việc tại nước ngoài đến khi về nước, tôi cảm thấy khó hòa nhập với các công việc của lao động phổ thông ở địa phương. Tìm được việc đã khó, nói gì đến công việc có chuyên môn kỹ thuật cao và mức lương ổn định như khi XKLĐ. Thậm chí, do tâm lý lo ngại dịch bệnh mà khi đi xin việc, một số nhà tuyển dụng còn tỏ thái độ xa lánh, kỳ thị với người trở về từ nước ngoài”, anh Đợi chia sẻ.
Cũng như anh Đợi, anh Quỳnh ở xã Hoàng Diệu vẫn chưa tìm được việc làm với lý do tương tự. Nhiều lao động khác đành tìm việc làm trái ngành thay thế. So với mức lương trung bình từ 15-40 triệu đồng/tháng tại nước ngoài thì mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng tại Việt Nam khiến nhiều người hụt hẫng. Nhưng vì dịch bệnh nên có việc làm đã là tốt rồi.
Do ngành công nghệ thực phẩm ở tỉnh ít lại do môi trường làm việc khác nên chị Dương Thị Thu (Tứ Kỳ) chọn làm tại Công ty TNHH Haivina (Gia Lộc) chuyên về may mặc. Tuy lương không cao và không phải công việc chị yêu thích nhưng đây là lựa chọn tối ưu với chị. Chị Thu cũng từng có ý định quay lại Nhật Bản để tận dụng được những kinh nghiệm và có mức thu nhập tốt hơn nhưng 2 lần dự định quay lại đều bị hoãn vì dịch Covid-19. Chị Nguyễn Thị An ở Hiệp Hòa (Kinh Môn) lại chọn mở quán làm bánh, đợi khi con lớn hơn sẽ tìm cơ hội tiếp tục đi XKLĐ.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2020, tỉnh Hải Dương có 5.353 người đi XKLĐ, trong đó Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản là hai nơi có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đông nhất. Hiện chưa có báo cáo cụ thể về số lượng lao động XKLĐ về nước trong những tháng đầu năm 2021, song con số này cũng không ít. Phần lớn người trở về nước sau XKLĐ thường chọn đi tiếp. Tuy nhiên do dịch bệnh, việc này có ít hy vọng. Chính vì vậy, người lao động nên chủ động khắc phục với những công việc đem lại thu nhập tạm thời, chờ tình hình dịch ổn định mới nên quay lại XKLĐ.
HÒA TUYẾT