Khen thưởng người tố cáo đúng là điển hình tiên tiến

03/07/2020 08:40

Những người vì lợi ích chung mà tố cáo, không vụ lợi cá nhân, các nội dung tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng, góp phần phòng chống tiêu cực thì tại sao không biểu dương họ?

Các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã và đang rà soát, đề xuất, biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua. Nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đã được biểu dương nhưng thấy vắng bóng cá nhân điển hình là những người tố cáo (NTC) đúng và công tâm.

Đương nhiên nếu NTC mà tố cáo sai hoặc lợi dụng tố cáo để vụ lợi thì không thể biểu dương. Nhưng nếu đó là những người vì lợi ích chung mà tố cáo, không vụ lợi cá nhân, các nội dung tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng, góp phần phòng chống tiêu cực thì tại sao không biểu dương họ?

Theo điều 62 Luật Tố cáo (năm 2018), NTC trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Trước đó, theo Luật Tố cáo (năm 2011), NTC có công trong việc ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì được khen thưởng về vật chất và tinh thần. Nghị định 76/2012/NĐ-CP ngày 3.10.2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo (năm 2011) còn nêu các nguyên tắc, tiêu chuẩn, hình thức, quy trình, thủ tục khen thưởng thành tích cho NTC đúng.

Trong Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10.1.2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng nhấn mạnh thời gian qua “việc biểu dương, khen thưởng NTC đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ NTC chưa được quan tâm” và yêu cầu thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền phải “động viên, khen thưởng kịp thời NTC đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ NTC”.

Như vậy có thể thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước về biểu dương, khen thưởng NTC khá đầy đủ. Tuy nhiên, vì sao thời gian qua việc biểu dương, khen thưởng NTC vẫn tắc?

Việc phát hiện, đề nghị biểu dương, khen thưởng cho NTC dễ bị bỏ sót vì nhiều nội dung tố cáo động chạm tới quyền lợi của cán bộ, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị hoặc thuộc phạm vi người cán bộ đó lãnh đạo, quản lý. Nhiều cán bộ, nhất là người lãnh đạo không công tâm, khách quan nên sẽ không chịu nhận hạn chế, vi phạm của mình. Vì thế, dù NTC làm việc công tâm, trung thực cũng khó được đề xuất biểu dương, khen thưởng. Mặt khác, theo Nghị định 76/2012/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 20.11.2012 đến 28.5.2019), việc đề nghị khen thưởng NTC có 2 hình thức: Sau khi kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định việc khen thưởng đối với người có thành tích trong việc tố cáo; người có thành tích trong tố cáo có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan giải quyết tố cáo xem xét, quyết định khen thưởng đối với mình. Trong trường hợp người giải quyết tố cáo không quan tâm, NTC ngại nói về thành tích của mình thì khả năng NTC không được đề xuất, biểu dương sẽ xảy ra.

Ngoài ra, nhiều người còn có cái nhìn thiên kiến với NTC, kể cả là tố cáo đúng với mục đích trong sáng. Việc phát hiện, biểu dương NTC đúng sẽ mất thời gian, gặp nhiều khó khăn hơn so với các điển hình tiên tiến khác vì phải xác định rõ NTC là đúng hay sai, tố cáo xuất phát từ động cơ trong sáng hay vụ lợi… Đó là chưa kể việc vinh danh, biểu dương NTC có thành tích cũng cần cẩn thận để bảo vệ cho chính họ.

Dù xuất phát từ những nguyên nhân nào đi chăng nữa thì việc chưa quan tâm biểu dương điển hình tiên tiến là NTC cho thấy một khoảng trống trong công tác thi đua - khen thưởng. Dẫu biết việc biểu dương điển hình với họ không dễ dàng song vẫn cần sớm thực hiện để kịp thời cổ vũ, động viên những người dám đấu tranh chống tiêu cực, góp phần ngăn chặn các sai phạm vì lợi ích cộng đồng.

Thực tế thời gian qua một số địa phương trong nước đã biểu dương những NTC là điển hình tiên tiến. Tháng 6 vừa qua, ông Phạm Tấn Lực ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã được UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích trong tố cáo những sai phạm của nhà thầu thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Những việc hiếm hoi như thế cần được nhân rộng.

TÍCH LỊCH HỎA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khen thưởng người tố cáo đúng là điển hình tiên tiến