Bất cập là nếu tính đúng, tính đủ viện phí cho bệnh nhân khám chữa bệnh thì người bệnh không chịu nổi trong điều kiện kinh tế của đại đa số người dân còn khó khăn.
Hôm vừa rồi, tôi đến thăm ông bạn, gặp lúc ông vừa đi khám bệnh về. Cạnh chiếc bàn nhỏ kê ở phòng khách của ông, tôi thấy có 4-5 hộp thuốc. Tôi hỏi ông thuốc gì mà nhiều thế? Ông bần thần nói: "Tuổi cao, bị nhiều bệnh, nào tiểu đường, tim mạch, huyết áp. Hằng tháng đến bệnh viện khám định kỳ, lĩnh thuốc; thuốc bác sĩ cho nhiều nhưng có uống cả đâu, chỉ uống những thuốc mình ưa, hợp với cơ địa của mình, còn thì bỏ lại. Cho nên tháng này, tháng khác thuốc cứ tồn lại, phải hủy đi". Ông bạn tôi còn phải mua thêm thuốc ở bên ngoài. Nghĩa là thuốc bệnh của mình ưa thì bác sĩ không kê đơn cho. Bác sĩ bảo thuốc ấy tốt thật nhưng đắt tiền, bảo hiểm y tế (BHYT) không thanh toán. Thành ra bác sĩ khám bệnh nhưng kê đơn thuốc lại theo "chỉ định" của BHYT. Vì thế có thuốc bác sĩ kê đơn, bệnh nhân không dùng được.
Ảnh minh họa
Từ việc kê đơn của bác sĩ ở bệnh viện, tôi nghĩ đến những bất cập trong thực hiện khám chữa bệnh BHYT. BHYT đã quy định những danh mục thuốc, thiết bị, sản phẩm điều trị cho bệnh nhân được thanh toán. Trong khi đó người bệnh thường yêu cầu thuốc, xét nghiệm ở mức cao hơn. Để bảo đảm có đầy đủ thuốc, thiết bị y tế điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện muốn tính đúng, tính đủ các chi phí. Vì không được đáp ứng các chi phí thực tế trong điều trị bệnh nhân, không được BHYT thanh toán nên bệnh viện thường mắc nợ. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã báo cáo trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đang diễn ra về nhiều bệnh viện trở thành "con nợ". Chính vì vậy, một số bệnh viện thí điểm tự chủ hoàn toàn về tài chính như Bạch Mai, Từ Dũ… phải xin ngừng không thực hiện thí điểm tự chủ.
Bất cập là nếu tính đúng, tính đủ viện phí cho bệnh nhân khám chữa bệnh thì người bệnh không chịu nổi trong điều kiện kinh tế của đại đa số người dân còn khó khăn, làm sao chi cho khám chữa bệnh cao lên được. Đây là lý do Nhà nước quản lý giá khám chữa bệnh và chưa thể tính đúng, tính đủ.
Ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển, bệnh nhân chỉ phải trả 14-20% tổng chi phí khám chữa bệnh. Còn hiện ở nước ta, bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra trả tới 40-50% chi phí mà bệnh viện phải chi. Nếu tính đúng, tính đủ, bệnh nhân phải trả 100% viện phí. Cho nên, tính đúng, tính đủ cho chi phí khám chữa bệnh là vấn đề lớn, nằm trong quốc kế dân sinh không phải một sớm một chiều mà giải quyết được. Trước mắt cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh. Trong các phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu đều đồng tỉnh chủ trương trước mắt chưa tăng giá dịch vụ y tế.
Ngày 20.8 vừa qua, chủ trì hội nghị "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói: Phải giảm chi tiền túi của người dân, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Và gần đây nhất, ngày 5.11, Chính phủ có Nghị quyết số 144/NQ-CP nhằm tháo gỡ những khó khăn về chi phí khám chữa bệnh BHYT và thanh toán việc mua thuốc, trang thiết bị y tế theo quy định của Nhà nước. Qua đó nhằm giảm mức chi tiền túi của bệnh nhân.
Hy vọng chính sách BHYT sẽ có những bước đột phá để giải quyết những bất cập hiện nay.
HOÀNG VŨ (TP Hải Dương)