Trong những tuần gần đây, Hungary đã nổi lên như một nước đi đầu trong EU phản đối lệnh cấm vận đối với dầu của Nga do Ủy ban châu Âu đề xuất vào đầu tháng 5.2022.
Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, trong bức thư Thủ tướng Hungary Viktor Orban gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel mới đây, Budapest tiếp tục khẳng định rằng rất khó có thể tìm ra một giải pháp toàn diện trước cuộc họp đặc biệt của EU vào ngày 30-31/5 tới, đặc biệt là lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
“Tôi tin rằng việc thảo luận về gói trừng phạt ở cấp lãnh đạo trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận sẽ phản tác dụng”, Orban tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng việc thảo luận về gói trừng phạt trong nội bộ EU không mang lại cơ hội thực tế để giải quyết.
Trong bức thư của mình, Thủ tướng Orban cũng cảnh báo rằng gói trừng phạt thứ sáu của EU được đề xuất sẽ gây ra "các vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung" ở Hungary và làm suy yếu lợi ích an ninh năng lượng của nước này, gây ra "cú sốc về giá" đối với các hộ gia đình và nền kinh tế của Hungary.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu đã trình bày một kế hoạch trị giá 210 tỷ Euro được gọi là REPowerEU, nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.
Ông Orban lưu ý kế hoạch này đã không giải quyết được những lo ngại của Hungary vì “không bao gồm khoản tài trợ cho các quốc gia thành viên không giáp biển có liên quan nhất”.
Budapest, vốn phụ thuộc vào dầu của Nga từ một đường ống duy nhất, đã yêu cầu được miễn lệnh cấm vận trong ít nhất 4 năm và muốn có 800 triệu Euro tiền của EU để tái thiết một nhà máy lọc dầu và nâng cao công suất của một đường ống dẫn đến Croatia.
Hôm 23/5, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó đã đưa ra mức giá cho việc từ bỏ dầu của Nga khi nói rằng việc hiện đại hóa hoàn toàn cơ sở hạ tầng năng lượng của Budapest sẽ tốn từ 15 đến 18 tỷ Euro.
“Không có dấu hiệu nào về phương thức và thời gian cấp vốn cho các nhu cầu đầu tư khẩn cấp liên quan đến việc thay thế dầu của Nga”, bức thư của ông Orban nêu rõ. Tuy nhiên, theo ông Orban, Hungary vẫn cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán.
Bình luận của nhà lãnh đạo Hungary có thể khiến Brussels và các quốc gia thành viên Đông Âu khác thất vọng, vốn đã nỗ lực cắt giảm nguồn thu của Nga từ châu Âu.
Các biện pháp trừng phạt của EU yêu cầu phải có sự nhất trí, nhưng một số quan chức EU đã và đang xem xét các lựa chọn pháp lý về cách vượt qua bế tắc. Một trong những lựa chọn như vậy là các nước thành viên EU áp đặt các biện pháp trừng phạt song phương đối với Moskva.
Tuy nhiên, các quan chức EU cho rằng một lựa chọn như vậy sẽ là "phương án cuối cùng", vì nó sẽ làm tổn hại đến sự thống nhất mà EU muốn thể hiện với Nga.
Theo Báo Tin tức