Theo các tư liệu lịch sử còn lưu lại, hoàng tử, công chúa ngày xưa thường có nhiều hoạt động đón Tết, chơi xuân.
Nghi lễ đón Tết trong cung triều Nguyễn. Ảnh minh họa
Theo sách “Đời sống trong cung đình triều Nguyễn”, hoàng tử, công chúa nhà Nguyễn lập gia đình đều được xây dựng phủ đệ riêng ở ngoài kinh thành. Cuộc sống của họ xem như tách biệt hoàn toàn với hoàng cung.
Nghi lễ Tết của hoàng tử, công chúa
Dịp gần Tết, nhịp sống ở phủ đệ rộn ràng hơn ngày thường. Số quan lại, binh lính, người hầu trong phủ đệ giảm khi một số xin phép về nhà ở quê lo Tết cho gia đình. Số còn lại ở phủ đệ được phân công canh gác, tập trung dọn dẹp, chuẩn bị phẩm vật sinh hoạt trong những ngày Tết.
Theo quy định của triều Nguyễn, lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu) là khởi đầu của nghỉ Tết. Khi Thướng tiêu ở Đại Nội thực hiện xong, các ông hoàng, bà chúa mới làm lễ này tại phủ đệ của mình.
Sau lễ lễ Thướng tiêu, triều đình tiến hành lễ tế cuối năm tại các miếu để mời bậc tiên đế về ăn Tết, tổ chức ngày 30 tháng chạp. Vua làm chủ tế lễ, thân công, hoàng tử, đại thần cùng đi theo. Đêm giao thừa, các phủ đệ đều đốt pháo với ngụ ý xua đuổi tà ma, điều xui xẻo, đưa tiễn cái cũ, đón điều mới, may mắn, tốt tươi.
Sáng mùng một Tết, vua ngự ở điện Thái Hòa, tiến hành đại lễ chào đón năm mới. Các hoàng đệ, hoàng tử, công chúa đến mừng vua 5 lạy. Sau lễ mừng, vua truyền chỉ ban tiền thưởng xuân và yến tiệc. Các hoàng thân, hoàng tử mỗi người được ban trên dưới 20 lạng bạc. Tiếp đến, nhà vua đưa các hoàng tử đến cung Diên Thọ dâng biểu chúc mừng Hoàng Thái hậu và làm lễ Khánh hạ.
Sang mùng 2 Tết, các ông hoàng, bà chúa làm lễ tại phủ đệ. Sau đó, họ vào Đại Nội xin phép vua rước mẹ mình về phủ để con cháu có dịp mừng tuổi, chúc phúc và báo hiếu.
Dịp Tết về thăm con cháu tại phủ đệ, các bà hoàng đều chuẩn bị những món quà quý chỉ có ở chốn cung đình làm vật kỷ niệm và mừng tuổi. Trong hồi ký, tác giả Bửu Kế đã miêu tả sự kiện đón Tết tại phủ Lạc Biên quận công như sau:
“Ngài tôi vào tâu xin hoàng đế cho phép bà tôi ra ngoài để con cháu dâng tuổi. Bà tôi đi một chiếc võng, hai bên có rèm bỏ xuống che kín cả người. Đòn võng sơn đỏ, hai đầu trở thành hình đầu phụng và đuôi phụng, khác hẳn đòn võng của ngài tôi trổ hình đầu rồng và đuôi rồng…
Hai bà nữ quan hầu trầu thuốc và bưng tráp đã đứng khép nép sau lưng bà tôi. Ngài tôi, chị tôi và tôi lần lượt quỳ xuống dâng rượu thọ…Thăm con cháu đâu được một tiếng đồng hồ, bà tôi lại lên võng trở vào Đại Nội”.
Ông hoàng, bà chúa chơi gì trong dịp Tết?
Trong ba ngày Tết, các ông hoàng, bà chúa rất bận rộn, đi chúc Tết hoặc ở phủ đệ tiếp khách. Con cháu trong các phủ phòng khác, các vị tôn tước, quan lại trong triều thường đến phủ đệ chúc Tết.
Đến mùng 3 Tết, những người nghèo khổ kéo nhau đến cổng ngõ phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa xin tiền. Các ông hoàng, bà chúa sẵn lòng ban cho họ một ít tiền trong ngày đầu năm mới, thể hiện lối sống phong lưu, tấm lòng khoan dung, dẫu có lúc các ông hoàng, bà chúa cũng đang gặp khốn khó.
Tết cũng là dịp để các ông hoàng, bà chúa gặp gỡ giới văn nghệ sĩ, cùng nhau sáng tác thi ca và ngâm vịnh thi phú tại phủ đệ. Những ông hoàng, bà chúa có khiếu thơ văn như: Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu, Công chúa Mai Am, Công chúa Huệ Phố… Họ đã để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm văn chương đồ sộ, góp phần tạo ra hiện tượng văn chương tiêu biểu của giai đoạn này.
Một số ông hoàng, bà chúa tổ chức diễn tuồng, ca Huế trong phủ đệ. Các vở tuồng được trình diễn vào những ngày Tết như: Ngự Văn Quân, Vạn bửu trình tường…, cầu chúc một năm mới gặp nhiều điều an lành.
Những buổi biểu diễn tuồng vào dịp Tết không chỉ dành riêng cho các ông hoàng, bà chúa, tầng lớp quý tộc, quan lại, mà còn mở cửa cho dân chúng sống xung quanh phủ đệ đến xem.
Phủ đệ cũng là nơi tổ chức nhiều trò chơi cung đình và dân gian như: Đổ xăm hường - trò chơi gieo các hột xúc xắc để dành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa (tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên).
Khi kết thúc ván chơi, người giữ trong tay những thẻ nào, có bao nhiêu điểm, tổng số điểm cộng lại sẽ giúp xác định kẻ thắng người thua.
Tiếp đến là trò chơi Đầu hồ - ném mũi tên (phi tiêu) gõ vào “con cóc” (miếng gỗ dẹp đặt giữa bình và vị trí người chơi), sao cho khi bật lên sẽ rơi xuống lọt vào miệng bình. Đây là trò chơi thử thách sự khéo léo, tinh nhạy của người chơi.
Ngoài ra, còn có chơi Bài vụ, Bài Chòi, trò chơi thu hút nhiều người tham gia nhất. Riêng các phi tần thời Nguyễn thích chơi bài, đặc biệt là bài tứ sắc và tổ tôm.
Khi các ông hoàng, bà chúa lập phủ đệ ở bên ngoài kinh thành, dân chúng đã chịu ảnh hưởng của cuộc sống bình dân và văn hóa dân gian một cách sâu đậm. Như vậy, phủ đệ là nơi giao thoa, hòa quyện lối sống văn hóa cung đình và dân gian, từ đó góp phần hình thành tính cách con người xứ Huế.
Cuộc vui chơi, du xuân kéo dài đến ngày mùng 7 tháng giêng, các ông hoàng, bà chúa tổ chức lễ hạ nêu tại phủ đệ, bắt đầu một năm làm việc mới. Phủ đệ trở về với không gian và nhịp sống kín đáo, thâm nghiêm như cũ.
Theo Zing