Việc Hiệp định EVFTA đi vào thực tế tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội bởi đây là thị trường xuất khẩu lớn, trên 400 triệu dân và cũng là khu vực có sức mua lớn thứ 2 thế giới.
Hiệp định Thương mại tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Nguồn: TTXVN
Dù không có được “cơ hội vàng” như thu hút đầu tư nước ngoài song lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam vẫn được đánh giá có những thuận lợi nhất định sau dịch, bởi có thêm trợ lực khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được phê chuẩn và đi vào thực thi.
Hiện xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, song các chuyên gia thương mại cho rằng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có cơ hội sau dịch.
Theo các chuyên gia, trong thời gian dịch bệnh, Việt Nam đã nâng được uy tín từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, có sự ứng xử nhân văn với các nước đối tác; một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, thiết bị máy tính có thế mạnh xuất khẩu nhu cầu trên toàn cầu cũng tăng lên.
Ngoài ra, ở thị trường EU, việc Hiệp định EVFTA đi vào thực tế cũng tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội bởi đây là thị trường xuất khẩu lớn, trên 400 triệu dân và cũng là khu vực có sức mua lớn thứ 2 thế giới.
Hơn nữa, các nước cung cấp hàng hóa có tính cạnh tranh với Việt Nam tại EU như Trung Quốc đều chưa có hiệp định với nền kinh tế này. Chính vì thế, về dài hạn, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội từ hiệp định này mang lại.
Một điểm đáng chú ý khác, EVFTA mang đến cơ hội lớn nhất là thuế quan, giúp hàng hoá cạnh tranh hơn về giá. Trong khi đó, khó khăn mà COVID-19 gây ra cho thương mại là làm giảm nhu cầu, tăng tính cạnh tranh ở nguồn cung.
Bởi vậy, khi EVFTA đi vào thực thi, việc cạnh tranh với hàng hoá giá rẻ sẽ giúp Việt Nam có thêm lợi thế trong cung ứng hàng hoá. Tuy nhiên, sau dịch bệnh, nhu cầu vẫn chưa cao nên ở thời điểm hiện tại, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường nói chung và EU nói riêng vẫn sụt giảm trong ngắn hạn.
Cũng theo các chuyên gia, sau dịch, ngành thủy sản xuất khẩu sẽ có những cơ hội nhất định. Cụ thể, các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong tỏa cách ly chống dịch dẫn đến sự sụt giảm 50% sản lượng sản xuất, xuất khẩu; Indonesia hay Philippines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%.
Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam.
Đặc biệt, khi EVFTA được thực thi, doanh nghiệp thủy sản sẽ có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU. Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với mặt hàng thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Với các ngành hàng khác như nông sản, gỗ hay lúa gạo cũng được doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn sau dịch và đều có sự chuẩn bị sẵn sàng. Đặc biệt, ngành hàng rau củ đã nhanh chóng nắm bắt yêu cầu của thị trường bằng việc tăng diện tích vùng trồng theo chuẩn quốc tế; còn doanh nghiệp ngành lúa gạo đã tăng liên kết với người nông dân để sản xuất theo yêu cầu của thị trường.
Theo TTXVN