Với những dấu hiệu phục hồi từ nền kinh tế thế giới, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu của Hải Dương đã có nhiều khởi sắc, lấy lại đà tăng trưởng. Hàng hóa “made in Hải Dương” đang toả đi muôn nơi.
Nhiều đơn hàng
Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng) chuyên sản xuất linh kiện máy in nhưng năm nay sản xuất thêm linh kiện camera ô tô và thiết bị y tế. Sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc. Tính đến trung tuần tháng 8, công ty đã đạt 80% kế hoạch sản xuất năm. Tuy không mở rộng thị trường nhưng số lượng đơn đặt hàng và khách hàng của công ty ngày càng tăng. Doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất đến năm 2027 với số lượng đơn hàng ổn định.
Công ty TNHH May Tinh Lợi (Kim Thành) hiện có hơn 20.000 công nhân, lao động, vẫn là doanh nghiệp có đông công nhân nhất tỉnh. Cách đây 2 năm, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, công nhân ở đây gặp nhiều khó khăn do ít việc, có thời điểm doanh nghiệp chỉ còn khoảng 13.000 công nhân. Ban Giám đốc công ty đã kết nối nhiều thị trường để có đơn hàng, tạo việc làm cho người lao động.
Theo đại diện Công ty TNHH May Tinh Lợi, những tác động từ các hiệp định thương mại tự do đã thúc đẩy tăng trưởng và liên kết toàn cầu, tạo cơ hội cho nhiều nước tham gia cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng tích cực, cải thiện môi trường xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm. Vì thế năm 2024 đơn hàng của doanh nghiệp đã có nhiều cải thiện, tăng 70% so với năm trước, mỗi ngày doanh nghiệp sản xuất hơn 60.000 sản phẩm, xuất khẩu chủ yếu sang các nước châu Âu. Kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp đã lấp đầy cả năm 2025.
Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 20%
Bên cạnh những mặt hàng công nghệ cao, may mặc thì Hải Dương còn là địa chỉ uy tín xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản. Với khoảng 500 ha rau, củ, quả ở khắp các huyện trong tỉnh, mỗi ngày Hợp tác xã Hoàng Nam Phát (TP Hải Dương) xuất khẩu khoảng 100 tấn rau, củ, quả sang thị trường các nước Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia… Anh Hồ Việt Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Nam Phát cho biết: “Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục mở rộng sản xuất, liên kết thành viên các tỉnh, thành phố để đáp ứng thị trường xuất khẩu vì hiện tại cung không đủ cầu”.
Với mong muốn đem những sản phẩm của Hải Dương không chỉ tiêu thụ trong nước, ngay từ đầu, Công ty CP Hoàng Giang ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) đã xác định việc xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhằm hướng đến mục tiêu lâu dài là vươn ra thế giới. Sản phẩm của công ty chủ yếu là bánh đậu xanh. Sau khi chính thức chinh phục thị trường Nhật Bản theo con đường chính ngạch, công ty tiếp tục tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Đào Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Giang cho biết: “Trong giai đoạn này, công ty đã xác định những thị trường trọng điểm như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, Canada và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) để xúc tiến thương mại. Chúng tôi thường đưa từ 30-50 thùng sản phẩm đến các thị trường để xem phản hồi của người tiêu dùng. Từ đó tạo bước đệm cho quá trình xuất khẩu sau này”.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh 7 tháng năm 2024, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Hải Dương ước đạt 5 tỷ 699 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, dây và cáp điện, xi măng, sắt thép. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản...
Bước sang năm 2024, các thị trường xuất khẩu lớn của Hải Dương như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng sau một năm gặp nhiều khó khăn. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất, 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hải Dương sang nước này đạt 1 tỷ 762 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là các thị trường Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu 579 triệu USD, thị trường Nhật Bản 527 triệu USD, mức tăng trưởng của 2 thị trường này đều đạt xấp xỉ 8,1%. Cả 3 thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Hải Dương vẫn là dệt may, đạt 1 tỷ 230 triệu USD; tiếp theo là máy móc, thiết bị 807 triệu USD; máy tính và linh kiện điện tử 762 triệu USD; giầy dép 426 triệu USD...
Với tốc độ tăng trưởng thời gian qua, cùng sự phục hồi tích cực của nền kinh tế thế giới, Hải Dương phấn đấu năm 2024 đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ 800 triệu USD, tăng hơn 20% so với năm trước.
NGUYỆT TRANG