Nông nghiệp - Nông thôn

Nỗi buồn ở những vườn nhãn xuất khẩu của Chí Linh

TRẦN HIỀN 22/07/2024 05:10

Do ảnh hưởng của thời tiết nên hầu hết các vườn nhãn ở TP Chí Linh (Hải Dương) đều bị mất mùa, kể cả những vườn nhãn xuất khẩu.

00:00

img_0965(1).jpg
Do ảnh hưởng nặng nề của thời tiết nên hầu hết diện tích nhãn ở Chí Linh đều bị thất thu

Vườn “vắng” quả

Xã Hoàng Hoa Thám là vùng trồng nhãn xuất khẩu lớn của TP Chí Linh. Xã có hơn 60 ha trồng nhãn, trong đó có 13 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, còn lại là VietGAP. Những năm trước, vào vụ nhãn, du khách đến chùa Thanh Mai sẽ được thưởng thức những trái nhãn tươi ngon ngay tại vườn. Nhưng vụ này, những vườn nhãn đều ngát xanh màu lá.

Dẫn chúng tôi đến thăm vùng trồng nhãn xuất khẩu, anh Phùng Gia Vương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Mọi năm, cứ đầu vụ là chúng tôi liên tục dẫn các đoàn doanh nghiệp, thương lái đến thăm những vườn nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chủ vườn cũng vui hơn vì lúc nào cũng có người ra, người vào thăm vườn. Năm nay mất mùa nên cũng không thấy doanh nghiệp, thương lái đâu”.

Hơn chục năm trồng nhãn nhưng chưa có vụ nào ông Nguyễn Đình An ở thôn Đá Bạc buồn như vụ này. Đồi nhãn của gia đình ông trồng đủ loại từ nhãn Miền Thiết, nhãn méo Hà Tây đến nhãn siêu ngọt… Từ năm 2020, năm nào vườn nhãn của gia đình ông cũng được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Năm 2023, nhãn được mùa nhưng không xuất khẩu được bởi chi phí vận chuyển cao nên giá rẻ. Dù vậy, sản lượng nhãn lớn nên trừ chi phí gia đình ông vẫn lãi được hơn trăm triệu. Năm nay thì buồn hẳn. Cả đồi nhãn rộng 2 ha của gia đình ông ước vỏn vẹn chỉ được 2 tạ quả thay vì 24 tấn như những vụ trước. "Quanh năm chăm bón, trông mong cả vào vụ nhãn nhưng với số quả này chỉ đủ để con cháu ăn chơi chứ không bõ bèn để bán”, ông An buồn rầu nói.

v
Vụ này, 2 ha trồng nhãn xuất khẩu của ông Xuyên chỉ cho thu khoảng 2 tấn quả, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước

Cách đó vài quả đồi là vườn nhãn của ông Nguyễn Đình Xuyên cùng ở thôn Đá Bạc. Hầu như năm nào, vườn nhãn của gia đình ông cũng được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu, có những năm sản lượng nhãn xuất khẩu đạt khoảng 80%. Giá bán nhãn xuất khẩu luôn cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg. Vụ nào, ông cũng thu cả trăm triệu đồng. Dù có kinh nghiệm nhưng năm nay vườn nhãn của ông Xuyên cũng chung cảnh mất mùa với những vườn nhãn khác. Vào thời điểm này của những vụ trước, ông đã bắt đầu thuê người đốn tỉa cành nhưng vụ này ông không dám. Bởi sau những cành lá xanh tốt kia có thể là những chùm nhãn hiếm hoi của mùa vụ. Vụ nhãn buồn nhưng ông vẫn mong sẽ bán được giá cao để bù lại chi phí chăm sóc cả năm.

Hải Dương có trên 2.000 ha trồng nhãn với sản lượng hơn 12.000 tấn nhưng chỉ vùng nhãn của TP Chí Linh đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Chí Linh hiện có khoảng 740 ha nhãn, tập trung ở các xã, phường: Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hoàng Tiến, Lê Lợi... với sản lượng trung bình ước đạt trên 4.000 tấn/năm. Năm nay, do những ảnh hưởng của thời tiết nên cả vùng trồng vải và nhãn của Hải Dương đều bị mất mùa. Riêng vùng trồng nhãn ở Chí Linh, sản lượng giảm đến 80% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn khoảng 800 tấn.

Phải làm chủ kỹ thuật

z5641720423337_2f2bd19dec276bf1f556ccccccca09a9(1).jpg
Làm chủ được kỹ thuật nên vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Viễn vẫn sum xuê quả

Trái ngược với tình cảnh chung, vườn nhãn của ông Nguyễn Văn Viễn ở khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến vẫn sai quả. Với 1,5 ha nhãn, vụ này ông vẫn thu 7 tấn quả, tương đương mọi năm. Đầu vụ nhãn sớm, ông bán cho thương lái với giá 50.000 đồng/kg, hiện giá nhãn vẫn ở mức 40.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, ông đã thu hơn 40% sản lượng, lãi trên 100 triệu đồng.

Theo ông Viễn, thời tiết là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng. Tuy nhiên, nếu nắm vững các kỹ thuật trồng và chăm sóc thì sẽ phần nào khắc phục những hậu quả do thời tiết gây ra. Trước đây, toàn bộ vườn nhãn của gia đình ông chủ yếu là giống Miền Thiết, méo Hà Tây… Khi những cây trồng này đã cỗi, ông mạnh dạn thay thế toàn bộ giống cũ bằng các giống nhãn ghép như Đường Phèn, Hương Chi. Những giống nhãn này cho thu hoạch sớm hơn nhãn chính vụ nên giá bán cũng cao hơn. Hiện 70% diện tích nhãn đã cho thu hoạch, diện tích còn lại sẽ cho thu hoạch từ vụ tới.

“Trồng nhãn sớm giá trị cao nhưng cũng rủi ro hơn rất nhiều nên kỹ thuật chăm bón đặc biệt quan trọng. Phải xem xét từng giai đoạn phát triển của cây để bón thúc kịp thời mới bảo đảm năng suất. Từ 6 năm trở lại đây, giá nhãn của tôi chưa bao giờ ở dưới mức 30.000 đồng/kg. Ngoài phục vụ tiêu dùng trong nước, nhãn cũng được nhiều doanh nghiệp thu mua xuất khẩu với giá bán cao”, ông Viễn chia sẻ.

Trước đây, ông Xuyên luôn thắc mắc tại sao nhãn Hưng Yên hay vải ở Bắc Giang có mẫu mã đẹp hơn ở Hải Dương. Vụ này, ông đã có câu trả lời. “Nhãn ít quả nên tôi mạnh dạn lựa chọn một số cây để thử nghiệm các giống phân bón mới. Dù cây rất ít quả nhưng quả to, màu sắc vỏ quả tươi sáng. Năm nay, mất mùa nên giá nhãn chính vụ chắc sẽ cao. Sau khi thu hoạch, tôi sẽ thuê người đốn tỉa cành, chăm bón để chuẩn bị cho vụ tới. Mong rằng, vụ sau sẽ là vụ vui với người trồng nhãn”.

Chí Linh là một trong những vùng trồng cây ăn quả lớn của Hải Dương. Thành phố hiện có khoảng 190 ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Hằng năm có trên 1.000 tấn nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ năm 2020, ngoài tiêu thụ trong nước, nhãn Chí Linh đã được xuất khẩu sang các nước Anh, Úc, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Điều này khẳng định, sản phẩm nhãn Chí Linh đã tạo được thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, để giữ được năng suất và chất lượng ở vùng trồng nhãn xuất khẩu thì nông dân phải làm chủ kỹ thuật, thay thế những vườn cây đã cằn, lựa chọn những giống cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh... Có như vậy mới có thể hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đến năng suất cây trồng.

TRẦN HIỀN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn ở những vườn nhãn xuất khẩu của Chí Linh