Trẻ nhỏ phải kết hợp vừa học, vừa chơi, chơi để học, mọi áp lực đều không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Theo dõi Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 14 vừa qua, tôi rất đồng tình với đánh giá trong Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tờ trình đã chỉ rõ 6 hạn chế trong thực hiện Nghị quyết cần khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, vấn đề dạy thêm, học thêm và thu góp không đúng quy định còn xảy ra ở một số cơ sở. Đây luôn là vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, phê phán bấy lâu nay và chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhà trường là nơi giáo dục, rèn luyện giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ để các em trở thành những con ngoan, trò giỏi, công dân có ích cho xã hội. Như vậy, môi trường nhà trường phải thực sự lý tưởng, mẫu mực thì mới hoàn thành được sứ mệnh cao cả đó. Tuy nhiên, ở nơi này, nơi kia vẫn còn có nhà trường chấp hành không nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm, vẫn còn có thầy cô lén lút tổ chức dạy thêm với nhiều hình thức mà không phải trên cơ sở tự nguyện, nhu cầu của người học. Điều này không chỉ gây ra nhiều áp lực cho học sinh, trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.
Điều 17 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi”. Theo đó, quyền vui chơi, giải trí lành mạnh không chỉ là nhu cầu mà còn là điều kiện quan trọng để trẻ em phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần. Để bảo đảm quyền này rất cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội, các chủ thể phải có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi.
Là những người công tác trong ngành giáo dục, ai cũng đều hiểu rằng, trẻ nhỏ phải kết hợp vừa học, vừa chơi, chơi để học, mọi áp lực đều không tốt cho sự phát triển của trẻ. Thế nhưng, hiện nay trẻ em hầu như không có nhiều thời gian vui chơi, giải trí; ngoài lịch học chính khóa, các em luôn bận rộn với các lịch học thêm dày đặc. Không chỉ phải học thêm các lớp theo “định hướng” của thầy, cô giáo, nhiều em còn phải học thêm theo mong muốn, kỳ vọng của cha mẹ. Mặc dù đã có những bước cải thiện đáng kể về đồng lương của giáo viên, song đời sống của nhiều thầy cô vẫn còn khó khăn. Nhưng cũng không thể vì có thêm chút thu nhập của cá nhân mà làm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ, nhất là đối với những người đang thực hiện sứ mệnh “trồng người” cao quý.
Mặc dù đã có quy định về việc cấm dạy thêm, học thêm, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhưng tôi thấy việc làm này chưa thường xuyên, chưa quyết liệt và hiệu quả chưa cao. Theo tôi, quy định về cấm dạy thêm, học thêm đã ban hành, công tác giáo dục, tuyên truyền cũng đã được các cơ quan chức năng triển khai rộng khắp; vấn đề hiện nay cần chú trọng đó là tập trung triển khai các biện pháp để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Khi phát hiện những trường hợp cố tình vi phạm cần xử lý nghiêm khắc, có thể đình chỉ công tác trong khoảng thời gian nhất định, phạt tiền… để tạo sức răn đe. Đồng thời có cơ chế thỏa đáng để phát huy “tai, mắt” của nhân dân trong việc phát hiện, thông tin cho các cơ quan chức năng về trường hợp dạy thêm, học thêm ở địa phương mình.
Trẻ học nhiều quá sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, giỏi đâu chưa thấy, nhiều trẻ sinh ra cáu gắt, sợ học… Đặc biệt, quá chú trọng tới kiến thức, nhiều trẻ thiếu kỹ năng sống nghiêm trọng, không biết các bài học về đạo đức, làm người cơ bản. Tôi mong rằng, thời gian tới tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ không còn nan giải và đáng buồn như hiện nay, để các em vừa được học, vừa được vui chơi đúng với tuổi thơ của mình.
PHẠM XUÂN THÔNG (Gia Lộc)