Lao động - Việc làm

Hải Dương có số lao động sang nước ngoài làm việc thuộc top cao nhất cả nước

TB (tổng hợp) 31/10/2024 19:50

Theo số liệu mà Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao vừa công bố, 10 địa phương có số lao động sang nước ngoài làm việc nhiều nhất năm 2023 thì Hải Dương đứng thứ 4.

lao-dong-viet-nam1.jpg
Hải Dương đứng thứ 4 trong Top 10 địa phương có số lao động đi nước ngoài nhiều nhất

Hồ sơ di cư Việt Nam 2023 do Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao công bố cuối tháng 10 dẫn thống kê mức thu nhập từ các thị trường trọng điểm lao động Việt Nam đang làm việc.

Tính theo nơi đi, Đồng bằng sông Hồng với 7 tỉnh thành gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng dẫn đầu cả nước với hơn 32.600 người.

Theo sau là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hơn 25.500 người.

Lao động làm việc tại Hàn Quốc cho thu nhập cao nhất 1.600-2.000 USD, kế đến là Nhật Bản 1.200-1.500 USD, Đài Loan (Trung Quốc) 800-1.200 USD, một số quốc gia châu Âu có mức tương tự.

Thị trường Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, khoảng 600-1.000 USD với lao động có tay nghề và 400-600 USD mỗi tháng với lao động phổ thông.

lao-dong-viet-nam.jpg
Lao động tham gia kỳ thi sát hạch theo Chương trình EPS đi làm việc tại Hàn Quốc, năm 2023

Phần lớn thị trường tiếp nhận đều có lương tối thiểu cao hơn nhiều so với trong nước. Năm 2022, hai thị trường đông lao động Việt là Nhật Bản, Hàn Quốc lương tối thiểu cao gấp 7-9 lần, tại Australia và New Zealand gấp khoảng 15 lần.

"Chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhưng với mức lương trên lao động vẫn có thu nhập tốt hơn so với việc làm trong nước", hồ sơ đánh giá, thêm rằng người đi còn có cơ hội bồi dưỡng tay nghề lẫn tích lũy kỹ năng trong môi trường làm việc.

Hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm gửi về 3,5- 4 tỷ USD kiều hối. Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là ba thị trường trọng điểm. Nhật Bản 5 năm liền đứng đầu về tiếp nhận lao động Việt.

Ngoài thị trường truyền thống, Việt Nam đang mở rộng đưa người đi làm việc tại Australia, New Zealand, Đức, Hungari.

Theo Hồ sơ di cư, 80% lao động Việt Nam làm việc ngoài nước trong các ngành thâm dụng như sản xuất chế tạo như cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử; tiếp đến là xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh.

Một bộ phận lao động trình độ cao như nhà quản lý, kỹ sư lựa chọn ở lại nước ngoài làm việc vì thu nhập cao, đãi ngộ tốt, có môi trường phát triển, gây nên tình trạng "chảy máu chất xám".

TB (tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương có số lao động sang nước ngoài làm việc thuộc top cao nhất cả nước