Gốm Chu Đậu: Quà tặng quốc gia

06/02/2019 06:32

Sau một thời gian dài ngủ quên, gốm Chu Đậu đã được đánh thức, hồi sinh, phát triển và nay được chọn là một trong những quà tặng tiêu biểu của quốc gia.



Hội tụ văn hóa Việt

Cuối năm, không khí làm việc ở xưởng gốm Chu Đậu luôn rộn ràng. Đôi tay tài hoa của nghệ nhân Trần Thị Ngàn đang nắn nót từng đường vẽ nhấp nhô dáng núi thấp thoáng dưới làn sương sớm mờ ảo trên vịnh Hạ Long. Dù mới chỉ là những nét vẽ đầu tiên nhưng chị Ngàn khá cẩn thận. Chị bảo: “Đây là những mẫu hàng rất quan trọng các nguyên thủ quốc gia làm quà tặng nhân những sự kiện ngoại giao trong nước và quốc tế nên phải rất kỳ công”.

Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức chia sẻ: “Gốm Chu Đậu được chọn là một trong những quà tặng của quốc gia bởi lẽ nó hội tụ mạch nguồn của văn hóa Việt. Gốm Chu Đậu quý bởi chính nguyên liệu làm ra sản phẩm là đất sét trắng, trầm tích được lấy từ nơi giao nhau của 6 con sông (hay còn gọi là Lục Đầu Giang) ở Chí Linh. Gốm Chu Đậu đẹp bởi màu men được tinh luyện từ tro trấu, một công thức làm men gốm độc đáo đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác định là dòng men thiên nhiên cổ truyền độc đáo nhất của gốm Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm gốm Chu Đậu làm quà tặng đang được doanh nghiệp vẽ vàng hoặc đắp nổi vẽ vàng giúp sản phẩm hội tụ đầy đủ 5 yếu tố ngũ hành: kim - mộc - thủy - hỏa - thổ”.

Không những vậy, để xứng danh là quà tặng quốc gia, những sản phẩm gốm Chu Đậu còn được các nghệ nhân nơi đây tái hiện, đưa vào đó những hoa văn, họa tiết gắn liền với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trên mọi miền đất nước. Đó là vịnh Hạ Long tươi đẹp, chùa Một Cột, Khuê Văn Các linh thiêng; những bãi biển cát trắng ở Nha Trang, Đà Nẵng; hay cầu Thê Húc duyên dáng bên Hồ Gươm...

Đỉnh cao của gốm Chu Đậu phải đạt được 5 tiêu chí: trong như ngọc, trắng như ngà, mỏng như giấy, sáng như gương và kêu như chuông. Vì vậy, công ty khá cẩn trọng trong các khâu sản xuất để chọn những sản phẩm làm quà tặng hội tụ được các tiêu chí trên. Theo ông Nghiêm Đình Sơn, Trưởng Phòng Kinh doanh của Công ty CP Gốm Chu Đậu, không chỉ đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ, những sản phẩm được chọn làm quà tặng quốc gia phải truyền tải được thông điệp văn hóa đến với người được tặng. Bình giọt ngọc mang ý nghĩa hút tài lộc, may mắn, phú quý và đem lại vượng khí tốt cho người được nhận. Bình hoa lam mang tính dương, tượng trưng cho trời, cho người cha, người chồng, cho nền tảng, là trụ cột vững chắc cho gia đình. Họa tiết hoa cúc đại đóa trong một số sản phẩm thể hiện cho người đàn ông quang minh, chính đại, người thành đạt trong xã hội...

Từ năm 2015, gốm Chu Đậu chính thức được Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước chọn là một trong những quà tặng tiêu biểu của quốc gia. Từ đó đến nay, gốm Chu Đậu luôn vinh dự được theo các đoàn làm việc của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đi ra thế giới.

Tỏa sáng năm châu

Gốm Chu Đậu từng chu du ra thế giới bằng đường biển. Sau hơn 5 thế kỷ thất truyền, gốm Chu Đậu hồi sinh, phát triển và ngày nay đang tiếp tục hành trình tìm lại giá trị đích thực của mình. Giám đốc Nguyễn Hữu Thức cho rằng: “Sứ mệnh của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc đánh thức một dòng gốm quý đã ngủ vùi hàng trăm năm mà phải làm sao để nâng tầm giá trị hơn nữa cho sản phẩm. Xưa các cụ đã giúp gốm Chu Đậu đến với nhiều quốc gia trên thế giới thì nay chúng tôi phải biết kế thừa, thậm chí phải giúp thương hiệu gốm Chu Đậu nổi danh hơn nữa khắp năm châu”. 

Hiện nay, doanh nghiệp đang phát triển dòng gốm vẽ vàng và gốm đắp nổi hoa văn vẽ vàng. Những sản phẩm mới này đòi hỏi nghệ nhân chế tác phải rất tỉ mỉ, kỳ công, khó gấp nhiều lần so với gốm thông thường. Giá trị của gốm vẽ vàng kim Chu Đậu vì thế cũng cao hơn gấp bội. Để gốm Chu Đậu có vẻ đẹp cao xa, quý phái phải nhờ đến sự sáng tạo và bàn tay tài hoa của những người thợ. Nghệ nhân Hạ Bá Định năm nay đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn cần mẫn truyền lửa nghề, kỹ nghệ làm gốm cho những thợ trẻ của công ty. “Giá trị của gốm Chu Đậu không chỉ nằm ở chất liệu, màu men độc đáo mà còn chính ở đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ. Những hoa văn, họa tiết được tạo ra không chỉ đa dạng, giàu ý nghĩa mà còn phải là nơi chứa đựng cái tâm và tầm của người nghệ sĩ”, ông Định cho biết. Vì vậy, những công đoạn đắp khuôn, be trạch, tạo mẫu công ty có thể làm công nghiệp hàng loạt nhưng riêng khâu vẽ hoa văn, họa tiết lên sản phẩm thì 100% phải nhờ vào những người thợ.

Dù đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới, gốm Chu Đậu đã trở thành món quà quý giá ở nhiều đất nước mà nó được đưa đến, nhưng Công ty CP Gốm Chu Đậu vẫn tiếp tục nuôi quyết tâm đưa sản phẩm gốm nổi tiếng hơn nữa, xứng đáng với 10chữ mà Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa đề tặng: “Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm châu”.

LAN ANH

Hiện nay, 46 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu. Hàng trăm nghìn cổ vật gốm thu thập được qua các cuộc khai quật đã xác định Chu Đậu là trung tâm chuyên sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ 14 - 17. Đồng thời, hàng nghìn đồ gốm Chu Đậu có trong nhiều bảo tàng ở Việt Nam và nước ngoài đã xác nhận Chu Đậu là nơi sản xuất gốm hàng đầu với chất lượng cao, loại hình và kiểu dáng đa dạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gốm Chu Đậu: Quà tặng quốc gia