Hai cuốn sách tuyển chọn 180 bài phát biểu, bài viết, bài nói, bài trả lời phỏng vấn, thư, điện chúc mừng quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian từ tháng 1.2018 đến tháng 4.2021.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN/phát)
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật vừa giới thiệu hai cuốn sách: “Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” và “Đoàn kết, vững tin đưa đất nước bước vào giai đoạn mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hai cuốn sách tuyển chọn 180 bài phát biểu, bài viết, bài nói, bài trả lời phỏng vấn, thư, điện chúc mừng quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian từ tháng 1.2018 đến tháng 4.2021.
Nội dung các cuốn sách được sắp xếp theo bốn chủ đề: Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế.
Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 1.2021), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư nhấn mạnh tiếp tục quán triệt đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc hơn nữa những quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, từng địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực cụ thể.
Mục tiêu phát triển tổng quát của chúng ta trong giai đoạn tiếp theo là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt
Trong nhiều bài phát biểu, bài viết, Tổng Bí thư đều chỉ rõ: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị luôn được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đảng ta luôn nhận thức rõ, xây dựng Đảng nhằm làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sáng suốt, không bi quan, dao động, không chủ quan, tự mãn. Chỉnh đốn Đảng là nhằm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, làm cho Đảng xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, củng cố, tăng cường hơn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN/phát)
Trong phần nội dung này, có ba bài viết đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về đại hội đảng bộ các cấp và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng; Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới).
Đồng chí Tổng Bí thư cũng dành nhiều tâm huyết chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, coi đây là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì và tuyệt nhiên không được tự thoả mãn với những kết quả đã đạt được.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Xuyên suốt Phần thứ ba của hai cuốn sách là sự quan tâm sâu sắc, thường xuyên, liên tục của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến tất cả các ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị, xã hội từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, thông qua các bài viết, diễn văn, thư chúc mừng, phát biểu tại các chuyến thăm và các buổi làm việc, gặp mặt đại biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Đối với MTTQ Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn “với quyết tâm mới, khí thế mới, sẽ tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực, hiệu quả hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đối với tổ chức Công đoàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Công đoàn Việt Nam... luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc và với Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đối với tổ chức Đoàn Thanh niên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: “Hãy luôn xung kích tiến lên trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước đối với thế hệ trẻ”.
Chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế
Những thông điệp, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị khu vực và quốc tế mà Việt Nam chủ trì tổ chức hoặc tham gia; các thư, điện mừng gửi lãnh đạo các Đảng, Nhà nước mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao thể hiện tinh thần chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động đối ngoại vẫn được duy trì và thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp. Nhiều hoạt động đối ngoại, nhất là các hội nghị và cuộc điện đàm trực tuyến hoặc trực tiếp vẫn được triển khai có chất lượng, hiệu quả cao, Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết hai hiệp định rất quan trọng là: Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Việt Nam ngày càng thể hiện được vai trò trong kết nối, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác và làm sâu sắc thêm lòng tin giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Theo TTXVN