Chúng ta nên coi giáo dục trực tuyến là một cơ hội phát triển hình thức học tập hiện đại chứ không chỉ là một cách đối phó tạm thời trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Chỉ còn nửa tháng nữa là tới ngày khai giảng năm học mới 2020-2021, trong bối cảnh dịch bệnh ở tỉnh ta, nhất là TP Hải Dương vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngày 18.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết đã tính toán các kịch bản để chuẩn bị cho năm học mới trong tình hình dịch bệnh. Theo đó, bộ đang thực hiện tinh giản chương trình dạy học và sẽ yêu cầu các trường học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học trực tuyến để ứng phó trong tình hình dịch bệnh. Đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, trong điều kiện chưa bảo đảm an toàn để khai giảng trực tiếp thì có thể tổ chức lễ khai giảng trực tuyến.
Sở GDĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục không tập trung học sinh đầu cấp trước ngày 31.8. Các cuộc họp chuẩn bị cho năm học mới phải được tổ chức trực tuyến. 29.8 là ngày cuối của 15 ngày cách ly xã hội tại TP Hải Dương song một số địa phương khác trên địa bàn vẫn trong thời gian cách ly và dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên cần tính đến phương án tổ chức khai giảng trực tuyến để bảo đảm an toàn. Theo gợi ý từ Bộ GDĐT, lễ khai giảng nên được tổ chức ngắn gọn, giúp học sinh cảm nhận được không khí ngày khai trường và thể hiện thông điệp "tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học". Tùy điều kiện, các trường có thể sử dụng một phòng, căng phông khai giảng, tổ chức buổi lễ tại đây. Học sinh ở nhà vẫn có thể theo dõi thông điệp của năm học mới từ thư của Chủ tịch nước, phát biểu của hiệu trưởng, thậm chí hòa chung không khí tựu trường trên khắp cả nước, để các em không có cảm giác đứng ngoài cuộc. Ngành GDĐT tỉnh nên sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về cách tổ chức lễ khai giảng online để tạo sự đồng bộ, thống nhất nếu có các trường phải tổ chức theo hình thức này. Khi có hướng dẫn, các trường sẽ không bị lúng túng trong khâu chuẩn bị và thực hiện, đồng thời sẽ sớm hướng dẫn học sinh cách thức tham gia buổi lễ. Đây sẽ là lễ khai giảng đặc biệt và đáng nhớ trong cuộc đời các em.
Không chỉ lễ khai giảng mà chúng ta cần chuẩn bị tinh thần có thể sẽ tiếp tục phải duy trì hình thức giáo dục trực tuyến trong năm học tới đây. Thời gian học trực tuyến có thể không xuyên suốt, rộng khắp mà ngắt quãng và lẻ tẻ ở các nơi, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. Các cơ sở giáo dục cần có phương án chuyển đổi linh hoạt giữa giáo dục trực tuyến và giáo dục trực tiếp để việc học tập của học sinh được liền mạch và hiệu quả. Bộ GDĐT đã công bố Dự thảo thông tư ban hành quy định về dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư này được ban hành sẽ là quy định chính thức về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến ở bậc học phổ thông.
Nửa cuối năm học 2019-2020 đã xảy ra những vụ lùm xùm về thu học phí trong thời gian học online tại các trường ngoài công lập. Ngành GDĐT cần có hướng dẫn cụ thể về cách thu học phí trực tuyến để các trường có cơ sở thực hiện, phụ huynh cũng yên tâm vì biết trước mức phí phải đóng. Theo Dự thảo thông tư của Bộ GDĐT, có 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến. Thứ nhất là hỗ trợ dạy học trực tiếp, giáo viên cung cấp tài liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp. Thứ hai là dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Thứ ba là dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Tương ứng với mỗi hình thức dạy học trực tuyến này nên có một mức thu học phí phù hợp. Trong trường hợp nhà trường tự điều chỉnh mức thu học phí thì cần có sự thỏa thuận với phụ huynh ngay từ đầu năm học để tránh những tranh cãi, gây ảnh hưởng tới việc học của học sinh.
Giáo dục trực tuyến đang dần trở nên gần gũi, thân quen với học sinh trong cả nước. Chúng ta nên coi đây là một cơ hội phát triển hình thức học tập hiện đại chứ không chỉ là một cách đối phó tạm thời trong hoàn cảnh dịch bệnh.
THÁI HÒA