Gian nan xây dựng thư viện trường tiểu học tiếp cận năng lực học sinh

16/12/2019 19:56

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang xây dựng bộ tiêu chuẩn thư viện trường tiểu học theo hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực của học sinh, tuy nhiên, không ít khó khăn đặt ra.

Chưa phát huy được hiệu quả    

Thứ trưởng GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thư viện trường tiểu học có vai trò là không gian học tập chung của nhà trường, giúp giáo viên và học sinh học tập, bổ sung và cập nhật kiến thức; kết nối và làm việc nhóm của học sinh như các hoạt động sáng tạo và phát huy trí tưởng tượng, phát triển năng lực tự học, năng lực giao tiếp, năng lực ngôn ngữ, năng lực sáng tạo... và là không gian sinh hoạt văn hóa hình thành và nuôi dưỡng các phẩm chất nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm cho học sinh.


Các em học sinh trường tiểu học Suối Hoa (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) thích thú lựa chọn sách tại Thư viện xanh

Tuy nhiên, nhiều trường học tại các địa phương đang gặp khó khăn như: Số phòng học còn hạn chế, nên chưa có phòng đọc riêng cho học sinh; thiếu kinh phí đầu tư cải tạo thư viện phù hợp với hoạt động của học sinh. Thậm chí có trường học chưa có phòng thư viện hoặc thư viện chỉ là kho đựng sách để cho mượn, trả sách của giáo viên và học sinh.    

Qua tìm hiểu, hầu hết các trường tiểu học ở Việt Nam tồn tại 2 kiểu thư viện: Thư viện không được đầu tư cả cơ sở vật chất và sách phục vụ học sinh, mặc dù được gọi là thư viện, nhưng thực sự là nhà kho của trường. Và thư viện được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, nhưng vẫn thiếu sách phục vụ học sinh. Sách trong thư viện này phần lớn là sách phục vụ giáo viên.

Bên cạnh đó, nhiều thư viện của trường học có diện tích phòng đọc nhỏ, thư viện chỉ là tận dụng từ một phòng học, giờ nghỉ giải lao giữa buổi ngắn không đủ thời gian đọc. Do đó, nhiều em đã chọn ngồi trong lớp nói chuyện với các bạn hay ra sân chơi hơn là lên thư viện.     

Ngoài ra, học sinh chưa có thói quen tự đọc sách báo, đặc biệt sách báo giấy. Việc tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh chưa trở thành nề nếp vì sự thờ ơ của không ít trường tiểu học...

Thay đổi nhận thức từ quản lý

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GDĐT Thừa Thiên Huế) cho biết: Để thay đổi nhận thức về vấn đề này phải thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, chú trọng triển khai đa dạng hoá các loại hình đọc ở nhà trường. “Hướng dẫn cho học sinh việc đọc sách, ghi chép như thế nào là hiệu quả. Ở thư viện có nhiều góc đọc, chơi, ghi chép… Bên cạnh đó, tổ chức các hội thi kể chuyện. Buổi sáng mỗi tuần các quản thư giới thiệu sách mới, giới thiệu những chia sẻ của học sinh sau khi đọc sách để các em tương tác cùng nhau. Các hình thức như “Thư viện xanh”, “Thư viện mở”… hoạt động linh hoạt. Học sinh được đọc sách và kể lại câu chuyện lồng trong bài giảng sẽ khuyến khích các em đọc nhiều hơn”, ông Phan Văn Hải cho biết.     

Cũng theo ông Phan Văn Hải, cán bộ thư viện phải là nhà sư phạm, tạo điều kiện cho họ tham gia các lớp bồi dưỡng, động viên họ bằng những cuộc thi công nhận thủ thư giỏi. Tuy nhiên, để làm được những việc này rất cần sự quyết liệt từ các cơ quan quản lý.     

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, điều đầu tiên khi xây dựng chuẩn thư viện phải khảo sát nhu cầu đọc của học sinh, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, thì mới thu hút các em học sinh đến thư viện. Sau đó, xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện, mở rộng thư viện theo hướng mở. Thông tư quy định tiêu chuẩn thư viện trường tiểu học mới sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành trong thời gian tới. 

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Gian nan xây dựng thư viện trường tiểu học tiếp cận năng lực học sinh