Đời sống văn hóa

Lưu luyến thư viện cũ Hải Dương

NGUYỄN THỊ LAN 13/07/2024 11:00

Với nhiều thế hệ độc giả, thư viện cũ Hải Dương vẫn là một địa chỉ văn hóa, một người bạn tri kỷ không thể nào quên.

img_7514(1).jpg
Thư viện cũ của tỉnh tại số 12 Nguyễn Du với cây quéo cổ thụ từng gắn bó thân thiết với nhiều thế hệ độc giả Hải Dương. Ảnh: TUẤN ANH

Bắt đầu từ ngày 4/9/2012, Thư viện tỉnh Hải Dương chuyển ra địa điểm mới ở đường Chương Dương (TP Hải Dương). Với kiến trúc theo lối tân cổ điển của Pháp, tòa nhà 5 tầng này hiện nay là một thư viện cấp tỉnh lớn trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ và là niềm tự hào của người dân Hải Dương.

Tuy nhiên với nhiều thế hệ độc giả, thư viện cũ vẫn là một địa chỉ văn hóa, một người bạn không thể nào quên. Nhiều người dẫu đi xa vẫn luôn hoài niệm về nơi mát xanh, thân thiết, bình yên tại số nhà 12 Nguyễn Du (TP Hải Dương).

Nhiều độc giả còn nhớ Thư viện tỉnh Hải Dương được thành lập từ tháng 12/1956 đến năm 1958 thì chuyển hẳn về “đóng đô” ở phố Nguyễn Du, một con phố cổ nhỏ nhắn, yên bình. Cơ ngơi đầu tiên của thư viện là ngôi nhà một tầng, kiến trúc kiểu Pháp rất đẹp, nằm im lìm dưới vòm cây cổ thụ râm mát.

Nghe nói thời Pháp thuộc đây là một câu lạc bộ khiêu vũ của các quan chức người Việt. Trước nhà là sân rộng có trồng một cây quéo. Cũng như những phòng đọc, phòng mượn sách, cây quéo này cũng trở thành một góc đặc biệt với những ai từng lui tới nơi đây. Cây to lớn, uy nghi, thân cây xù xì mốc thếch theo năm tháng. Tán cây xòe rộng tỏa bóng mát xuống cả khoảng sân. Theo những bậc cao niên của thành phố, cây quéo này đã được trồng trên một trăm năm. Cây trở thành biểu tượng của thời gian, là chứng nhân lịch sử của góc thư viện tỉnh nhỏ xinh.

Cuộc sống tỉnh nhỏ những năm 50, 60 của thế kỷ trước tuy có đìu hiu nhưng thật êm đềm, dễ chịu. Những buổi sáng, buổi chiều, nhiều người có thể thả bộ chậm rãi đến thư viện. Hồi đó sách báo điện tử chưa có, các phương tiện giải trí còn ít, thư viện tỉnh trở thành trung tâm văn hóa, thông tin, giải trí của người dân thị xã. Những người thích đọc đến đây để mượn sách, đọc sách, báo, tạp chí, để đắm mình trong thế giới của chữ nghĩa, kết nối bạn bè cùng sở thích. Nhiều người đến đây như thói quen, chỉ để tìm kiếm vài thông tin, gặp gỡ vài người quen, ghi thêm vài trang sách... Hoặc có khi là để tìm dáng hình ai đó vẫn ngồi ở đây đọc sách...

Từ đây, có biết bao người đã thành đạt. Nhiều thế hệ học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia từng là độc giả “ruột” của thư viện. Đã có bao người coi thư viện là “trường học” thứ hai của đời mình mà mỗi lần nhớ đến không thể không biết ơn.

Trong hành trình “đi tìm thời gian đã mất” tôi nhớ ở nơi đây mấy chục năm về trước có một cô bé gầy, nước da rám nắng, những ngày nghỉ học vẫn thường đến đây đọc truyện. Nhớ có cô gái mới lớn ham thích đọc sách, khao khát một tình yêu có thể choán hết cả tâm hồn, trí tuệ nhưng chưa có ai để mà yêu, cô càng yêu sách nồng nàn hơn. Nhớ có cô giáo trẻ ở Trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương thỉnh thoảng bế con ra thư viện. Trong căn phòng đọc còn thiếu ánh sáng và nóng bức, cô đã cặm cụi chép hàng trăm trang tư liệu lên những tập giấy rơm đen để phục vụ cho bài giảng của mình. Ngày đó, các phẩm văn học nước ngoài, giáo trình và tài liệu tham khảo còn khan hiếm, thư viện chính là nguồn bổ sung kiến thức, mở mang hiểu biết quý giá cho một cô giáo trẻ dạy văn học thế giới. Với những giáo viên dạy văn như cô, sách cũng giúp tăng vốn từ vựng phong phú, trau dồi khả năng viết lách.

Tôi nhớ những gương mặt từng quen và biết ở nơi đây - những độc giả thực sự coi thư viện như người bạn, người thầy thân thiết. Với họ, sách báo đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Thư viện tỉnh nhỏ bé này cũng đã mở ra trong chúng tôi bao điều kỳ diệu. Nếu “hạnh phúc là thấy mình sung sướng tột cùng” thì ở nơi đây chúng tôi đã có những giây phút thật sự hạnh phúc.

Còn nhớ một sáng mùa hè tôi lặng lẽ trở về thư viện cũ. Cảnh vật vẫn yên ả như ngày nào. Trước cổng, tấm biển thông báo về việc chuyển thư viện đến địa điểm mới như một lời nhắc nhớ tôi rằng nơi đây mãi mãi chỉ là “chốn xưa”. Cảnh cũ còn đó, gần gũi nhưng cũng thật xa xôi. Tất cả như dần trôi vào dĩ vãng…

Tôi thẫn thờ dưới gốc cây quéo cổ thụ. Cây quéo năm xưa, mặc cho mưa nắng thời gian, mặc cho năm tháng đắp đổi với bao biến động của lịch sử vẫn đứng sừng sững ở nơi đây. Có đến ba, bốn thế hệ bạn đọc đã đến đây, những ai còn, ai mất? Ai thành công, ai thất bại? ai hạnh phúc? Tôi đứng giữa sân rộng, ngước lên những dãy phòng đọc, sờ tay lên những ô cửa im ỉm khóa mà rưng rưng bao cảm xúc, nhung nhớ, yêu thương.

Chúng tôi những thế hệ bạn đọc cũ của thư viện đã già rồi. Như tấm áo chật khoác lên một cơ thể cường tráng, Thư viện tỉnh ngày nay đã đổi mới, khang trang, hiện đại.

Thi thoảng, tôi trở lại chốn xưa, để nhớ, để tìm lại những trong trẻo, yên bình, những mộng mơ của một thời thơ ấu. Để tìm lại hình bóng, nhiệt huyết tuổi trẻ của chính mình và của bao người khác.

Con người không chỉ sống với ký ức. Kỷ niệm chỉ có ý nghĩa sâu sắc khi nó hóa thành trầm tích nâng đỡ tinh thần con người trong hành trình sống. Tôi và bao cư dân của thành phố Hải Dương vẫn đến với Thư viện tỉnh ở địa điểm mới như tìm đến một người bạn, một người thầy, để được thỏa đam mê đọc; nhưng cũng có khi là để được tìm lại những khoảnh khắc hạnh phúc của ký ức khi lật từng trang sách.

NGUYỄN THỊ LAN
(0) Bình luận
Lưu luyến thư viện cũ Hải Dương
ss