Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 7, tháng tri ân, tháng cao điểm của nhiều hoạt động thiết thực hướng về các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công (NCC) với cách mạng.
75 năm về trước, vào tháng 6.1947, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cuộc họp được tổ chức tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và đã thống nhất chọn ngày 27.7 là Ngày Thương binh toàn quốc. Đến tháng 7.1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh, liệt sĩ.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Ở mảnh đất xứ Đông cũng có biết bao người lính đã nằm xuống nhưng chẳng lưu lại một tấm hình, một phong thư mà chỉ để lại khoảng trống mãi không thể lấp đầy trong lòng những người ở lại. Hàng nghìn, hàng vạn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ, thân nhân NCC đã chịu hy sinh mất mát, nén đau trở thành hậu phương vững chắc để tiền tuyến chiến đấu, bảo vệ quê hương.
Đền đáp sự hy sinh, mất mát đó, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC luôn được Đảng bộ, quân và dân Hải Dương thực hiện bằng tấm lòng và trách nhiệm. Những chính sách, chế độ dành cho NCC với cách mạng đã được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Thời gian qua, khắp các địa phương trong tỉnh, phong trào xây dựng, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được phát động, thu hút đông đảo người dân tham gia. Hàng nghìn ngôi nhà cho NCC, gia đình chính sách đã được xây mới, sửa chữa. Những phần quà ý nghĩa được trao tới tận tay những thương binh, gia đình chính sách dịp này và những ngày lễ, Tết. Hoạt động chăm lo, phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng được thực hiện ở nhiều nơi. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ…
Hơn 2 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động chăm lo cho NCC, gia đình chính sách của tỉnh vẫn luôn được chú trọng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lan tỏa góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, khích lệ tinh thần phấn đấu vươn lên của NCC và truyền lửa tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương của nó còn âm ỉ, day dứt và ảnh hưởng lâu dài. Vì thế, ghi nhớ và tri ân sự cống hiến của các thế hệ đi trước đã đổ máu vì nền độc lập, tự do của dân tộc là việc làm cần thiết, cần được duy trì thường xuyên, liên tục. Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa việc chăm lo cho NCC, gia đình chính sách, giúp họ phát huy ý chí tự lực, tự cường, thi đua sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống.
Phát triển phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lên tầm cao mới, thông qua số hóa các hồ sơ, giấy tờ, thủ tục của NCC để thực hiện các chính sách hỗ trợ nhanh chóng, công bằng, chuẩn xác. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp; sử dụng nguồn quỹ hợp lý, công khai, minh bạch, tạo sự đoàn kết toàn xã hội trong chăm lo cho NCC. Triển khai thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, không để NCC đủ điều kiện nhưng lại không được hưởng đúng, đủ chế độ. Quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho NCC. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc…
Tổ quốc mãi ghi công những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC với cách mạng đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chúng ta luôn luôn ghi nhớ và tri ân!
HẢI DƯƠNG