Gần đây, ngành giáo dục và đào tạo lại tiếp tục "nóng" xung quanh việc kỷ luật một học sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh).
Học sinh này đã lập nhóm Anti BTS trên mạng xã hội và có những lời xúc phạm nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc. Nhiều người hâm mộ nhóm nhạc BTS nổi giận, yêu cầu Trường THCS Ngô Quyền phải kỷ luật học sinh.
Sau đó, trường này đã yêu cầu học sinh đọc bản kiểm điểm và xin lỗi người hâm mộ nhóm nhạc BTS, đình chỉ học 4 ngày, phải lao động công ích trong thời gian bị kỷ luật, bị đánh giá hạnh kiểm từ trung bình đến yếu trong học kỳ 1.
Phó Hiệu trưởng trường này đã nhờ một người quay clip học sinh đọc bản kiểm điểm trước trường rồi cho đăng tải trên mạng xã hội. Sự việc nhanh chóng làm dư luận "dậy sóng".
Một luồng dư luận cho rằng việc trường kỷ luật học sinh và đăng clip trên mạng xã hội là hình thức kỷ luật quá nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự của học sinh, thiếu tính nhân văn.
Luồng dư luận khác cho rằng xử lý kỷ luật như vậy là hợp lý vì học sinh đã xúc phạm đến nhóm nhạc của nước ngoài, cần kỷ luật để giáo dục học sinh biết cái sai của mình và để những học sinh khác không mắc phải. Trước áp lực dư luận, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã phải nhận lỗi vì xử lý "nóng vội".
Trả lời trên báo chí, lãnh đạo trường cho biết một căn cứ để kỷ luật học sinh là dựa theo Thông tư số 08 ban hành ngày 21.3.1988 của Bộ Giáo dục hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông.
Thông tư số 08 đề ra 5 hình thức kỷ luật gồm khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học 1 tuần lễ; đuổi học 1 năm.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là đến nay thông tư này đã ban hành hơn 31 năm nhưng vẫn còn hiệu lực. Nhiều quy định trong Thông tư 08 có thể phù hợp với 31 năm trước nhưng không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Năm 1988, thế giới chưa có mạng xã hội, còn ở Việt Nam chưa có internet. Hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo trước tập thể nhằm cảnh báo chung để nhiều học sinh khác tự rút kinh nghiệm, không mắc lỗi. Tuy nhiên, mặt trái của nó là khiến tâm lý người bị kỷ luật ảnh hưởng nặng nề, rất xấu hổ.
Trước đây, khi internet, mạng xã hội chưa xuất hiện, những mặt trái của hình thức kỷ luật này chưa tác động nhiều, song sự bùng nổ của mạng xã hội ngày nay có thể làm phát sinh những hậu quả nghiêm trọng.
Một chuyện nhỏ ở một ngôi trường được lan truyền ở không gian mạng dễ trở thành chuyện cả cộng đồng xã hội quan tâm. Những người liên quan có thể hứng chịu "búa rìu" dư luận.
Ngoài Thông tư 08, việc kỷ luật học sinh hiện nay còn căn cứ theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30.12.2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường tiểu học và Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28.3.2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo Thông tư số 41, học sinh vi phạm khuyết điểm có thể bị kỷ luật bằng 2 biện pháp gồm nhắc nhở, phê bình; thông báo với gia đình.
Thông tư số 12 đề cập 4 hình thức gồm phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn. Một số quy định nêu trên vẫn đặt nặng việc khiển trách, phê bình trước tập thể.
Ngoài ra, cùng kỷ luật học sinh song một số từ ngữ của các thông tư không thống nhất với nhau. Thông tư 08 có hình thức "khiển trách", "cảnh cáo" trước tập thể, còn Thông tư 12 lại là "phê bình".
Xã hội ngày càng đề cao giá trị dân chủ, nhân quyền, phòng chống bạo hành học sinh. Nếu việc kỷ luật học sinh mà không suy xét kỹ lưỡng sẽ có nguy cơ trở thành bạo hành tinh thần, vi phạm quyền con người.
Trả lời trên báo chí về vụ việc ở Trường THCS Ngô Quyền, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết Thông tư 08 chưa có quy định cụ thể về lỗi vi phạm loại này, nên nhà trường không được hoàn toàn dựa vào Thông tư 08 khi kỷ luật học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện thông tư mới thể thay thế Thông tư 08. Lẽ ra bộ chủ quản cần ban hành thông tư mới thay Thông tư 08 từ rất nhiều năm trước rồi.
NINH TUÂN