Việc thúc đẩy đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử trong thời gian gần đây giúp người nông dân, đơn vị sản xuất giới thiệu trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng.
Với sự tham gia, phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đầu mối của các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các sàn giao dịch thương mại điện tử hợp pháp khác đang đẩy mạnh việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Đối với hoạt động của sàn thương mại điện tử Postmart, tính đến 15.9, tổng số tài khoản hoạt động là 3.878.328; tổng số giao dịch trên sàn lũy kế là 765.271 giao dịch; giá trị giao dịch lúy kế đến là 165.352 tỉ đồng; tổng số sản phẩm lũy kế đưa lên sàn là 115.226 sản phẩm. tổng số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo lũy kế là trên 4,5 triệu hộ.
Mới đây, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp TikTok, Công ty cổ phần giải pháp KYC mở lớp tập huấn và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho chủ thể OCOP trên nền tảng số.
Còn ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty CP giải pháp KYC cho biết: Tại Việt Nam 73% dân số sử dụng internet, 54% người mua hàng online qua mạng xã hội. Dịch COVID-19 là cú huých cho thương mại điện tử phát triển với tốc độ tăng trưởng 16% trong năm 2021. Dù hiện nay, Việt Nam đã bước vào giai đoạn bình thường mới nhưng 63% người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua hàng online.
Dự trên xu hướng của người dùng mạng xã hội, đại diện Công ty CP giải pháp KYC đã chia sẻ đến các chủ thể OCOP của Hà Nội, Bắc Kạn phương thức xây dựng kênh và sáng tạo nội dung trên TikTok và bán hàng trên kênh này. Cùng với đó là kiến thức về giải pháp TikTok Live và phương án vận hành, hoàn thiện đơn hàng trong thực tiễn ứng dụng TikTok...
Tham dự lớp tập huấn, ông Đỗ Hòa, Giám đốc đơn vị Rain coffe cho biết: Đơn vị đã sử dụng một số kênh bán hàng thương mại điện tử và hiện chiếm khoảng 20% doanh số của đơn vị. Tôi cũng đã thử mua hàng trên TikTok và nhận thấy việc mua hàng rất nhanh và dựa nhiều vào nội dung giải trí thu hút người xem. Do đó, qua lớp tập huấn muốn tìm hiểu sự khác biệt giữa các kênh bán hàng thương mại điện tử và áp dụng cho kênh phân phối của đơn vị trong thời gian tới.
Để đẩy nhanh việc phổ cập đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hợp tác với Hội Nông dân. Theo đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, thông qua các cấp bộ Hội, chỉ sau 6 tháng hợp tác, hai đơn vị đã tiến hành đào tạo, trang bị kỹ năng chuyển đổi số cho gần 10.000 hộ sản xuất nông nghiệp với hơn 1.500 hội nghị trên toàn quốc theo cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, kết nối đưa hơn 108 nghìn sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thuần Việt của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử Postmart đãtiêu thụ hơn 1.000 tấn nông sản, đặc biệt là nông sản mùa vụ như: Vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên, nhãn xuồng Đồng Tháp, na Chi Lăng, mận, xoài Sơn La, sầu riêng Đắk Lắk và nhiều loại nông sản, các sản phẩm chế biến từ nông sản khác.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức thành công festival nông sản và sản phẩm OCOP toàn quốc đầu tiên trên môi trường số tại Sơn La. Đây là tiền đề quan trọng để Trung ương Hội và Bưu điện Việt Nam triển khai mô hình mẫu gian hàng OCOP tại các điểm phục vụ của Bưu điện trên toàn quốc. Bưu điện Việt Nam cũng đã phát triển được hơn 3.000 cộng tác viên là hội viên hội nông dân trên toàn quốc, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ nông dân.
Trước mắt, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tập trung đưa toàn bộ hộ sản xuất kinh doanh giỏi lên sàn giao dịch thương mại diện tử Postmart; phối hợp đào tạo tập huấn cho hộ sản xuất kinh doanh giỏi thuần thục về kỹ năng bán hàng trên sàn. Bưu điện Việt Nam với năng lực về mạng lưới điểm phục vụ, hệ thống kho bãi logistics rộng khắp sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua môi trường số hóa và kênh vật lý trên thị trường trong nước và quốc tế; Tích cực triển khai vận hành hệ thống của hàng OCOP tại các điểm Bưu điện, từ đó tạo thói quen mua sắm mới cho người dân cũng như mở ra kênh bán hàng hiệu quả, rộng khắp trên toàn quốc. Hội Nông dân và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền kênh bán hàng thương mại điện tử Postmart.vn để lan toả đến người dân, xã hội cũng như thúc đẩy việc mở tài khoản, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử.
Theo các chuyên gia chuyển đổi số, thương mại điện tử đang góp phần thúc đẩy xã hội số, kinh tế số. Theo số liệu từ Bộ Công thương, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ (B2C) trong năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng 20% so với năm trước.
Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ và lượng người dùng Internet đông đảo. Theo ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu, chiếm tới gần 74,8% số người sử dụng Internet. Với con số này, Việt Nam là thị trường có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực.
Theo báo Tin tức