Nông sản là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Mới hết quý 1 nhưng hàng loạt nông sản của Việt Na đang trở thành hàng "hot" trên thị trường quốc tế với số lượng và giá cả tăng mạnh.
Nhiều dự báo nhu cầu của các nước đối với nông sản thực phẩm Việt Nam sẽ còn tăng trong thời gian tới do nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định và cạnh tranh trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với tình trạng lạm phát. Điều này đặt ra cơ hội cũng như "việc cần làm" cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, giữ "ngôi vương" xuất khẩu đầu tiên phải kể đến sầu riêng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong quý 1-2024 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 254 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tới 98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Với "thành tích" này, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ mức 32% của năm 2023 lên mức hơn 60% chỉ trong một quý.
Như vậy, chỉ chưa đầy hai năm, sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường hơn 1,4 tỉ dân. Chưa dừng lại, vị trí "ngôi vương" này có thể còn duy trì lâu dài vì sầu riêng Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan, thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh...
Nếu như sầu riêng đang giữ "ngôi vương" xuất khẩu sang Trung Quốc thì cà phê xuất khẩu sang các nước châu Âu đang được ví như thời "hoàng kim" sau hơn 30 năm xuất ngoại.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, quý 1 năm nay, xuất khẩu cà phê đạt 800.000 tấn, trị giá gần 1,9 tỉ USD, tăng lần lượt 44,4% và 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá hiện nay, theo các chuyên gia, ngành cà phê sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ USD trong năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong những năm qua nhờ giá cà phê thế giới tăng cao. Trong đó, thị trường Đức dẫn đầu nhập khẩu cà phê VN, tiếp theo là Ý và Tây Ban Nha là thị trường lớn thứ 3.
Hiện mỗi tấn cà phê xuất khẩu có giá trên dưới 4.000 USD và giá cà phê nội địa là trên dưới 100.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, với tình hình giá thị trường như hiện nay thì kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ USD của ngành cà phê trong năm 2024 chắc chắn đạt được.
Cũng là một trong ba mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc, chuối Việt Nam từ năm 2023 đã xuất khẩu chính ngạch và ngày càng tăng sản lượng. Để tránh phụ thuộc một thị trường, gần đây nhiều doanh nghiệp đã tìm hướng đi riêng cho chuối và được các thị trường như Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật Bản... chú ý.
Đơn cử, có hơn 90 cửa hàng AEON ở Hong Kong (Trung Quốc) đang bày bán 100% chuối tươi nhập khẩu từ Việt Nam. Dù trước đây toàn bộ chuối tươi ở cửa hàng tại Hong Kong do các nhà cung cấp Philippines, Đài Loan hay Singapore đảm nhận.
Đà tăng trưởng trong xuất khẩu nông sản Việt Nam, ngoài cà phê, chuối, sầu riêng còn có sự đóng góp rất lớn của mặt hàng gạo - mặt hàng đang giữ vị trí thứ 2 về quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Và gạo Việt Nam cũng ngày càng được ưa chuộng ở nhiều thị trường. Quý 1 xuất khẩu gạo của VN đạt 2,07 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch 1,37 tỉ USD, tăng 40%.
Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trong điều kiện sản xuất lúa trong nước ổn định và Ấn Độ chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo, tiếp nối quý 1, các quý còn lại năm 2024, Việt Nam sẽ có nhiều kỳ vọng xuất khẩu gạo trong năm tăng cả về sản lượng và kim ngạch.
Đối với mặt hàng thủy sản cũng có sự bứt phá trong ba tháng đầu năm. Các mặt hàng thủy sản Việt Nam cũng nằm trong danh sách săn lùng của thị trường nhiều nước. Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản ba tháng đầu năm nay đạt gần 1,9 tỉ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 600 doanh nghiệp chế biến.
Trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thì Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc là ba thị trường chính. Sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã vượt mặt các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ hay Indonesia.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu đang có một bức tranh với gam màu tươi sáng, tích cực. Đây là một cơ hội rất lớn cho nông dân và cả phía doanh nghiệp. Từ mỗi phía, cần tận dụng và có những năng lực, lợi thế, phát huy khác nhau để tạo cho toàn ngành phát triển.
Với sầu riêng, khi Trung Quốc có cơn sốt loại trái cây "vua", cơ hội là điều không khó thấy. Hiện VN có gần 3.000ha sầu riêng chính thức được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Quang Nam, một doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu ở TP Hà Nội, nhìn nhận: "Sầu riêng bây giờ đúng là thu không kịp bán. Diện tích trồng sầu riêng trong 5 năm qua tăng nhanh vì nhu cầu thị trường quá lớn. Cơ hội không thể chớp nhoáng mà phải bền lâu, đòi hỏi Việt Nam cần phải nâng được giá trị quả sầu riêng lên".
Để nâng giá trị sầu riêng Việt Nam, theo ông Nam, cần có những vùng trồng chất lượng, có mã số vùng trồng, tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Nông dân cần nắm rõ kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng, tăng quy mô sản xuất, hạn chế vùng trồng nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết sản xuất...
"Xây dựng mặt hàng sầu riêng trở thành chuỗi ngành hàng để thật sự bền vững là việc quan trọng nhất. Chứ không phải thấy được giá, hiếm hàng là tăng diện tích. Bởi không biết thị trường xuất khẩu sầu riêng sẽ như thế nào trong những năm tới", ông Nam nhấn mạnh.
Với chuối Việt Nam xuất khẩu, mặt hàng đang tạo vị trí ở các thị trường mới, cũng có những lợi thế nhất định. Bởi hiện nay diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng khiến nông dân không mặn mà trồng chuối. Ngoài ra, cơ hội cho chuối Việt Nam xuất khẩu còn đến từ các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong...
Là doanh nghiệp xuất khẩu chuối, nhìn nhận cơ hội, ông Võ Quan Huy, giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng chuối "đang rất rộng đường xuất khẩu".
"Tức là thị trường có, nhưng phải biết cách để chuối có mặt ở thị trường các nước, được lên kệ. Hiện giờ chuối Việt Nam đang ký với Hàn Quốc một số ưu đãi nên người ta cũng tìm đến Việt Nam để mua chuối nhiều hơn. Vấn đề lớn là cần vượt qua, cần đặt ra với chuối xuất khẩu là nắm tiêu chuẩn để vào thị trường khó tính".
Ông Huy chia sẻ thêm đối với thị trường Hàn Quốc, họ kiểm soát dư lượng hóa chất trên chuối rất gắt, còn Nhật Bản ngoài việc kiểm soát dư lượng hóa chất họ còn yêu cầu có nhật ký sản xuất, nông nghiệp hữu cơ. Riêng thị trường Trung Quốc kiểm soát về con rệp và dư lượng bảo vệ thực vật... "Chúng ta cần nắm các điều kiện để từ đó đưa chuối Việt Nam vào các thị trường này dễ dàng. Đó cũng là cách tạo thành "nếp" để chuối Việt Nam xuất khẩu an toàn với các thị trường", ông Huy nói.
Với cà phê, chưa năm nào giá cà phê cao như năm nay nên ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho rằng trước khi xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho từng doanh nghiệp thì trước hết cần phải xây dựng được thương hiệu quốc gia.
"Cà phê là một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh, hằng năm mang về cho Việt Nam hàng tỉ USD nhưng vẫn thiếu một thương hiệu mang tầm quốc gia để nâng cao giá trị.
Đóng góp vào sản lượng chung cho cà phê Việt Nam, hơn 30% cà phê đến từ Đắk Lắk, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý "Cà phê Buôn Ma Thuột" nổi tiếng nhưng Đắk Lắk hay Việt Nam nói riêng vẫn chưa có thương hiệu cà phê có giá trị nhất thế giới.
Cà phê đang tăng trưởng, trong khi nguồn cung khan hiếm, Việt Nam đang có cơ hội "chuyển mình" và lúc này "thời điểm vàng" cần phải xây dựng thương hiệu quốc gia", ông Hải đánh giá.
Là một tập đoàn lớn trong xuất khẩu gạo, quý 1/2024 Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết và triển khai các đơn hàng trên 100.000 tấn với một số nước trên thế giới. Sang quý 2, tập đoàn này mở hàng bằng hiệp định khung cung ứng 100.000 tấn gạo cho Quảng Đông, Trung Quốc trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, nói về cơ hội gạo xuất khẩu: "Lộc Trời đang không ngừng đàm phán, ký kết các đơn hàng mới với các đối tác để tận dụng cơ hội. Ngoài ra, đã liên kết sản xuất trên quy mô lên đến trên 300.000ha với trên 200.000 nông dân để đảm bảo nguồn cung lúa gạo cho thị trường quốc tế theo tiến độ đã ký.
Đặc biệt, mới đầu tháng 4, chúng tôi đã ký kết hiệp định khung cung ứng gạo cho Quảng Đông, Trung Quốc và sẽ tiếp tục tăng thêm sản lượng trong tương lai. Đồng thời triển khai các hợp đồng với Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) và các đối tác khác.
Chúng tôi có 10 nhà máy gạo với năng lực cung ứng 2 triệu tấn gạo/năm đang hoạt động tích cực để đảm bảo lượng hàng cung ứng đến trên 40 quốc gia khắp thế giới".
Nhưng nói về "việc cần làm" với gạo Việt Nam xuất khẩu, ông Thuận cho rằng VN được đánh giá là một trong những nước xuất khẩu có uy tín, được tin cậy nhất trên thế giới. "Như vậy Việt Nam đã có nền tảng rất vững chắc về sản xuất lúa, canh tác lúa, cung cấp gạo trên thế giới một cách ổn định. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ mà cần phải xây dựng được thương hiệu ở nhiều thị trường, nhất là thị trường châu Âu", ông Nguyễn Duy Thuận nêu ý kiến.
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan, Pakistan... do đó đòi hỏi phải gia tăng chất lượng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.
Theo một giảng viên Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những thị trường rất lớn (CPTPP, RCEP, EVFTA...) và những thị trường lớn, chủ chốt như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Những thị trường này đồng ý cho nhiều loại nông sản của ta xuất khẩu chính ngạch, do đó lượng hàng sẽ tăng lên mỗi ngày.
Theo bài phân tích cập nhật đến tháng 4/2024 của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, việc sản xuất hoa quả chế biến và rau củ ở châu Âu không đủ để tự đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, thị trường châu Âu có truyền thống nhập khẩu hầu hết hạt điều từ Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi các nước châu Phi là phía sản xuất hạt điều thô lớn nhất, nhưng không đủ năng lực chế biến để cung cấp trực tiếp cho châu Âu. Vì vậy, họ xuất khẩu hạt điều còn nguyên vỏ sang Việt Nam và Ấn Độ để chế biến tiếp.
Còn ở Đức, Việt Nam cùng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Brazil đang là các bên cung cấp chủ lực mặt hàng hoa quả chế biến và rau củ cho thị trường nước này. Trong đó, hạt điều nhân là sản phẩm đang dẫn đầu của Việt Nam tại thị trường Đức.
Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Đức cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2022, riêng với mặt hàng trái cây nhiệt đới đông lạnh.
Cũng theo CBI, Việt Nam đang là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm xoài đông lạnh, sầu riêng đông lạnh, chanh dây đông lạnh cho thị trường châu Âu, bên cạnh đó cũng có sản phẩm cơm dừa và măng đóng hộp.
Trong khi đó, báo Inquirer của Philippines ngày 13/4 cho biết Việt Nam đang là nguồn cung cấp gạo hàng đầu cho Philippines, chiếm 62,4% tổng lượng nhập khẩu với 734.583 tấn. Dữ liệu mới nhất từ Cục Công nghiệp thực vật Philippines cho thấy nước này đã nhập khẩu tổng cộng 1,17 triệu tấn gạo tính đến ngày 4/4.