Nhiều đại biểu Quốc hội vẫn phải đặt câu hỏi: "Tại sao Nhà nước phải thu hồi đất mà không để dân - doanh nghiệp tự thương lượng?".
Khoảng 70% vụ khiếu nại, khiếu kiện từ lĩnh vực đất đai, nhất là liên quan đến việc bồi thường, thu hồi đất trong các báo cáo lâu nay cho thấy lần sửa đổi Luật Đất đai này, cần nhìn nhận thận trọng, kỹ càng về điểm luôn tiềm ẩn "ngòi nổ" cho những vụ việc bất ổn lớn, dai dẳng, đó là: thu hồi đất.
Doanh nghiệp nào cũng mong muốn nhanh chóng làm dự án, hưởng lợi từ những khu đất sạch được thu hồi bằng "bàn tay Nhà nước", thay vì mất công, mất sức ngã giá.
Bởi vậy mọi kẽ hở, mập mờ khái niệm, tiêu chí về dự án Nhà nước có quyền thu hồi đất sẽ được lợi dụng tối đa cho việc "mượn" tay Nhà nước để nhanh chóng thu hồi đất của dân, mặc dù xét trên mặt lợi ích, dự án đó không hề có ý nghĩa "phát triển kinh tế - xã hội" hay "vì lợi ích quốc gia, công cộng".
Lần sửa đổi luật này, những trăn trở về lỗ hổng, hạn chế gốc rễ của vấn đề thu hồi đất lại được các đại biểu Quốc hội đặt ra ngay tại phiên thảo luận tổ.
Những vụ việc khiếu nại đông người kéo dài, những oan khiên sau hào quang các dự án đủ để các đại biểu nhận diện ra quá nhiều bất cập về chế định thu hồi đất hiện hành.
Nhưng ngay cả khi thấy rõ được rồi mà không đưa ra "bài thuốc" giải đúng cũng sẽ không giải quyết triệt để vấn đề và "lãng phí" một lần sửa luật.
Bất cập về quy định thu hồi đất không phải đến lần sửa đổi luật này mới được nêu ra, mổ xẻ.
Tại Nghị quyết 19 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương (nghị quyết định hướng cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2003) cũng đã nêu và đặt mục tiêu giải quyết vấn đề: "Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng (...); tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp".
Đọc dự thảo Luật Đất đai vừa được trình cũng chưa thấy được sự "đột phá" trong quan điểm Nhà nước đứng ra thu hồi đất, và khái niệm thu hồi "vì mục đích phát triển kinh tế, lợi ích quốc gia, công cộng vẫn còn chung chung.
Mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể của từng dự án chưa được minh định. Thậm chí xét về phạm vi thu hồi, dự luật còn bổ sung thêm một số dự án.
Nhiều đại biểu vẫn phải đặt câu hỏi: "Tại sao Nhà nước phải thu hồi đất mà không để dân - doanh nghiệp tự thương lượng?".
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận việc lượng hóa các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó. Bài toán sửa Luật Đất đai cũng rất khó.
Đây mới là kỳ đầu Luật Đất đai (sửa đổi) được trình và còn ít nhất hai kỳ để đại biểu cho ý kiến. Mổ xẻ việc phân tích sâu từng vấn đề, nhận diện những điểm hạn chế và bất cập trong hàng loạt vấn đề phức tạp mới hy vọng cho ra đời được một luật chất lượng và không để nhiều thứ mất mát xảy ra từ đất đai.
Theo Tuổi trẻ