Để dập tắt dịch Covid-19 cần triển khai các giải pháp tích cực, hành động quyết liệt. Trong đó cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19 đợt đầu, các nước đã ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã chủ động, tích cực và đi đầu nên đã dập tắt được dịch bệnh trong cộng đồng với gần 100 ngày không có bệnh nhân mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh lại tiếp tục diễn biến phức tạp, đến ngày 20.8 Việt Nam đã có 1.007 ca nhiễm, trong đó Hải Dương có 19 ca (tính cả số ca nhập cảnh được cách ly ngay). Việc làm rõ nguyên nhân dịch Covid - 19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp, tính chất nguy hiểm để có giải pháp ngăn chặn là cấp thiết hiện nay.
Về nguyên nhân, thứ nhất, các chuyên gia nhận định dịch Covid - 19 tại Đà Nẵng có sự xâm nhập từ bên ngoài vào. Bởi sau 99 ngày an toàn, dịch bệnh được kiểm soát, song sau dỡ bỏ lệnh giãn cách, nhu cầu đi lại, giao lưu, đúng mùa du lịch tăng kỷ lục. Một số người từ nước ngoài trở về chưa tự giác khai báo y tế, một số người nhập cảnh trái phép mang mầm bệnh không qua kiểm dịch của ngành y tế chính là những tác nhân khiến dịch bệnh bùng phát trở lại, lan nhanh trong một thời gian ngắn.
Thứ hai, do một bộ phận người dân mất cảnh giác, chủ quan, lơ là như đi máy bay không đeo khẩu trang, ra vào bệnh viện không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Đà Nẵng là điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam, chỉ trong nửa tháng 7 có đến 80.000 khách đến Đà Nẵng.
Để dập tắt dịch Covid-19 cần triển khai các giải pháp tích cực, hành động quyết liệt. Trong đó cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh. Tập trung nhiều nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, bình tĩnh nhưng quyết liệt, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu trong thời gian tới một mặt phải tập trung dập dịch nhanh nhất có thể, mặt khác phải siết chặt kỷ cương, “lên dây cót” cả hệ thống, trước hết là ngành y tế.
Cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của mỗi người dân; lòng tự tôn dân tộc, thực sự chung sức đồng lòng muôn người như một, đề cao ý thức cảnh giác “chống dịch như chống giặc”, không được chủ quan lơ là, xem thường nguy cơ và tác hại của dịch Covid-19.
Chính quyền, các cơ quan chức năng, đặc biệt ngành y tế cần tiếp tục rà soát các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch, thực hiện các biện pháp đồng bộ về quản lý sức khỏe của người dân, “coi tính mạng con người là trên hết”, đặc biệt là người cao tuổi, có bệnh nền. Siết chặt kỷ cương trong các bệnh viện, thực hiện nghiêm, triệt để quy định phòng dịch đối với mỗi người đến khám bệnh và nhân viên y tế. Tập trung cao cho công tác kiểm soát các trường hợp F1, F2, các khu vực vùng dịch, điểm dịch cục bộ… để chặn đứng nguy cơ tái nhiễm, lây lan trong cộng đồng.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19; chủ động, tích cực phòng ngừa, phát hiện, có biện pháp kịp thời, kiên quyết xử lý các đối tượng xâm nhập trái phép, những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh đi từ vùng dịch về. Phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, góp phần thiết thực dập tắt dịch Covid-19 trong những ngày tới.
TS. LÊ XUÂN HUY