Penalty đang là nỗi ám ảnh của đội tuyển Việt Nam. Đáng nói, nhiều tình huống dẫn đến phạt đền của các học trò ông Park Hang Seo lại không cần thiết phải xảy ra.
Trước cuộc đối đầu với đội tuyển (ĐT) Việt Nam, huấn luyện viên Branko Ivankovic đã cho các cầu thủ Oman tập sút phạt đền. Việc rèn giũa mọi tình huống để sẵn sàng cho một trận đấu là điều bình thường. Nhưng việc tăng cường tập sút phạt từ chấm 11m cho một trận cầu chỉ gói gọn trong 90 phút cho thấy vị chiến lược gia này đã nghiên cứu kỹ thói quen hay mắc lỗi trong vòng cấm của các cầu thủ Việt Nam. Và diễn biến trên sân đã đúng như dự đoán của ông Ivankovic khi Oman 2 lần được hưởng phạt đền.
Với ĐT Việt Nam, hai quả 11m trong trận đấu vừa qua khiến thống kê về số lần bị phạt đền của chúng ta trở thành nỗi ám ảnh. Chỉ trong 12 trận của vòng loại World Cup 2022, các học trò của ông Park Hang Seo đã phải chịu đến 7 quả penalty, trung bình 0,583 quả/trận. Tất cả đều do các cầu thủ ở hàng thủ gây ra.
Cụ thể, Văn Hậu (2 quả 11m), Duy Mạnh (2), Ngọc Hải (1), Tấn Trường (1) và Tấn Tài (1) là những “tác nhân”. 5/7 tình huống đá phạt đền được các đối thủ thực hiện thành công, chiếm 1/3 trong tổng số 15 bàn thua của ĐT Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022. Đây thực sự là con số bất thường, đáng báo động chứ không phải là “chấp nhận được”.
Chắc chắn, đó không phải là những lỗi đều do trọng tài tưởng tượng. Công nghệ truyền hình cùng sự xuất hiện của VAR giúp chúng ta nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các pha phạm lỗi ấy. Có thể khẳng định, cả 7 quả phạt đền của ĐT Việt Nam “đều có lý” và trọng tài đã tham khảo VAR ở nhiều tình huống chứ không phải dựa trên những quyết định cảm tính, chủ quan.
Đội tuyển Việt Nam phải nhận 2 quả phạt đền trong trận đấu với Oman (áo đỏ)
Điều đáng tiếc là rất nhiều trong số các tình huống ấy xảy ra khi khung thành ĐT Việt Nam không phải bị đặt vào thế “báo động đỏ” để coi phạm lỗi là “lựa chọn duy nhất”, từ đó có thể hy vọng thoát thua ở chấm 11m thay vì chắc chắn bị thủng lưới trước.
Đơn cử như 2 tình huống 11m trong trận gặp Oman đều đến từ những động tác thừa của Tấn Tài và Duy Mạnh. Ở những pha bóng này, khung thành của đội nhà đã ở trạng thái tạm an toàn chứ không còn bị đối phương đe dọa, có thể dẫn đến bàn thua.
Nhiều pha bóng trong số 7 tình huống bị phạt 11m cho thấy thói quen chơi bóng không tốt của các học trò ông Park nhằm tạo ức chế cho đối phương. Nhưng vòng loại World Cup 2022 là sân chơi quốc tế, các trọng tài không bị chi phối bởi bất cứ tác động nào từ phía cầu thủ Việt Nam, lại được hỗ trợ bởi công nghệ VAR.
Thế nên, những động tác tưởng chừng có thể “lờ” đi ấy lại bị soi xét một cách kỹ lưỡng. Hai tình huống bị phạt 11m trước Oman là hậu quả mới nhất cho cách chơi bóng theo thói quen, bản năng và không đúng luật của các cầu thủ Việt Nam.
Rõ ràng, nếu chơi bóng chỉn chu hơn, ĐT Việt Nam đã không phải trải qua cơn ác mộng phạt đền như chặng đường vừa qua. Để tránh những tình huống thua đau đớn ấy, các học trò của ông Park cần phải tự điều chỉnh bản thân. Hơn hết, những gì đã xảy ra là bài học đắt giá cho ĐT Việt Nam nói riêng cũng như là bài học hữu ích cho các cầu thủ Việt Nam nói chung nếu muốn vươn tầm quốc tế.
Đừng để mất thiện cảm
Chưa chắc đã hiểu hết luật nhưng khán giả Việt Nam thường vào tài khoản mạng xã hội của trọng tài để tấn công khi cảm thấy đội nhà bị oan. Hành động này không mang lại lợi ích cho ĐT Việt Nam. Ngược lại, nếu trọng tài mất thiện cảm để rồi dẫn đến xử lý mạnh tay hơn cũng là điều dễ hiểu.
Theo Bongdaplus