Những "Địa chỉ tin cậy"

17/11/2019 14:05

Từ nhiều năm nay, những "Địa chỉ tin cậy" (ĐCTC) do Hội Phụ nữ các cấp thành lập đã trở thành nơi tạm lánh của nhiều chị em bị bạo lực gia đình.

Hội Phụ nữ tỉnh cần tổ chức nhiều cuộc giao lưu để thành viên trong các "Địa chỉ tin cậy" học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành

Cũng từ đây những kinh nghiệm quý để xây dựng gia đình hạnh phúc được chia sẻ.

Nơi tránh bạo lực gia đình

Được thành lập từ năm 2017, ĐCTC của Chi hội Phụ nữ thôn Dương Xá, xã Nhân Quyền (Bình Giang) đã trở thành nơi để chị em trong thôn tìm tới mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống gia đình. Địa chỉ này được đặt tại nhà riêng của chị Vũ Thị Đong, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Dương Xá.

Thời gian đầu thành lập, ĐCTC chưa được nhiều chị em tin tưởng, thậm chí có người bị chồng đánh mà không dám tìm tới nơi này. Vì vậy, trong các buổi sinh hoạt, Chi hội Phụ nữ thôn thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu về ĐCTC để chị em hiểu rõ và có thể tới bất cứ khi nào cần. Các thành viên trong địa chỉ thường xuyên phối hợp với Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc của chi hội để tuyên truyền phòng tránh bạo lực gia đình...

Chị Đong cho biết: Có một cặp vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, người vợ hay phải chịu những trận đòn vô cớ từ chồng. Trong một lần cãi vã, hai vợ chồng xô xát, người chồng đã đánh vợ ngất đi. Ngay khi tỉnh dậy, người vợ đã bảo con tìm tới ĐCTC để nhờ giúp đỡ. Nhận được thông tin, các thành viên của địa chỉ đã tới nhà đưa nạn nhân đến Trạm Y tế xã để khám.

Rất may chị này chỉ bị thương phần mềm nên được cho về nhà tĩnh dưỡng. Nhưng nếu để chị về nhà biết đâu trong cơn bực tức khác chị sẽ lại tiếp tục bị chồng đánh đập nên cán bộ chi hội đã đưa về ĐCTC nghỉ ngơi. Tại đây, các thành viên đã thay phiên nhau chăm sóc, động viên tinh thần để chị bình tĩnh trở lại.

Đồng thời, nhờ những người có uy tín trong dòng họ gặp chồng chị phân tích đúng sai. Khi người chồng đã hiểu việc làm của mình là sai, hứa không tái phạm thì cán bộ chi hội mới đưa chị về nhà. Từ khi thành lập đến nay, ĐCTC của Chi hội Phụ nữ thôn Dương Xá đã đón và hỗ trợ 3 hội viên bị bạo lực gia đình. 

Dù đã xảy ra cách đây vài năm nhưng các thành viên của Chi hội Phụ nữ thôn Khánh Hội, xã Nam Đồng (TP Hải Dương) vẫn nhớ một nạn nhân tới xin tạm lánh tại ĐCTC.

Chị này có chồng hay uống rượu, đánh đập vợ. Thậm chí, có hôm người chồng vì say rượu mà đánh và đuổi vợ ra khỏi nhà. Nhiều ngày liền, anh chồng không mở cửa cho vợ về. Chị đã tới ĐCTC xin hỗ trợ. Khi tiếp nhận, các hội viên đã bố trí chỗ ngủ, nghỉ an toàn, thay phiên nhau chăm sóc, chia sẻ, động viên để chị ổn định tinh thần.

Cán bộ chi hội tới gặp anh chồng để tuyên truyền, thuyết phục chấm dứt bạo hành với vợ. Chi hội còn nhờ các ban, ngành, đoàn thể của địa phương cùng vào cuộc để giáo dục, răn đe... Nhờ vậy, hai vợ chồng chị đã sớm đoàn tụ, không còn xích mích.

Đây là một trong 9 trường hợp hội viên trong thôn Khánh Hội nhận được sự hỗ trợ từ ĐCTC. Địa chỉ này đặt tại nhà của chị Hoàng Thị Ủi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khánh Hội từ năm 2012. 

Nhiều nơi chưa quan tâm

Được xây dựng với mục đích giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành xong nhiều ĐCTC gặp khó khăn nên chưa thể phát huy hết vai trò. 

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 430 ĐCTC được xây dựng ở khắp các thôn, khu dân cư tại 12 huyện, thị xã, thành phố. Các ĐCTC đã giúp hơn 60 trường hợp bị bạo hành. Những địa chỉ này chủ yếu được đặt tại nhà của trưởng thôn, bí thư chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ hoặc những người có uy tín trong cộng đồng.

Chọn ĐCTC ở những nơi trên để khi đến tạm lánh, người bị bạo hành sẽ cảm thấy thân thuộc, an toàn, không tốn kém chi phí đi lại. Hơn nữa, các thành viên trong ĐCTC cũng hiểu rõ nạn nhân, người gây ra bạo lực và hoàn cảnh sống của họ, từ đó dễ chia sẻ, cảm thông, hỗ trợ phù hợp, kịp thời...

Chị Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Phụ nữ tỉnh) cho biết: "Mặc dù số lượng ĐCTC được thành lập khá lớn nhưng chỉ có hơn 10 địa chỉ nhận được kinh phí duy trì hoạt động và mua tủ thuốc, chăn màn, còn lại phải tự xoay xở.

Theo quy định, mỗi ĐCTC cần có đầy đủ tủ thuốc, giường chiếu, chăn màn để phục vụ người có nhu cầu. Tuy nhiên, việc đầu tư trang thiết bị của các ĐCTC khá hạn chế, chủ yếu tận dụng đồ dùng của các gia đình được chọn xây dựng địa chỉ".

Khi thành lập ĐCTC phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương nhưng những nơi này lại chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương vẫn còn tư tưởng coi nhẹ công tác phòng chống bạo hành gia đình hoặc coi đó là việc của Hội Phụ nữ. Nhiều chị em không dám lên tiếng, không tìm đến các ĐCTC. Vì thế, các địa chỉ chưa phát huy được vai trò trong phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở. 

Để mỗi ĐCTC là nơi an toàn cho chị em bị bạo hành tránh trú, mỗi thành viên trong địa chỉ và các cấp Hội Phụ nữ cần tăng cường tuyên truyền cho phụ nữ. Chính quyền địa phương cần tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các ĐCTC.

Hội Phụ nữ tỉnh cần thường xuyên mở lớp tập huấn, giao lưu để thành viên ở các ĐCTC học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ hội viên. ĐCTC cũng cần trở thành nơi tố giác tội phạm hành hung, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái.

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những "Địa chỉ tin cậy"