Để xây dựng văn hóa giao thông, trong đó có việc tự giác đội MBH, ngoài áp dụng chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc, rất cần những suy nghĩ và hành động tích cực, cụ thể của mỗi người.
Khái niệm văn hóa giao thông được phổ biến rộng rãi từ nhiều năm nay. Có thể hiểu, văn hóa giao thông là người đi đường phải có hiểu biết đầy đủ và chấp hành nghiêm pháp luật giao thông. Cần bảo đảm an toàn cho người khác, giúp đỡ khi họ gặp nạn. Không chen lấn, giành đường, ứng xử có văn hóa khi không may xảy ra va chạm... Dù nội hàm khá rộng nhưng văn hóa giao thông lại dễ hiểu. Ví dụ "người đi đường phải chấp hành nghiêm pháp luật giao thông", trong đó có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Vừa rồi, trong chuyến đi một số tỉnh, thành phố của miền Tây, nhiều người trong đoàn công tác của chúng tôi rất ngạc nhiên khi từ TP Cần Thơ, qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... thấy người đi đường đều đội MBH. Hễ ngồi lên mô tô, xe gắn máy là đội MBH, từ người già, trung niên cho đến thanh niên, trẻ em, từ quốc lộ cho đến đường nội thị. Đến tận huyện Ngọc Hiển nơi có Mũi Cà Mau, nhà cửa thưa thớt, bạt ngàn rừng đước, dù rất vắng người qua lại, không hề có bóng dáng cảnh sát giao thông nhưng quy định này vẫn được người dân thực hiện nghiêm túc. Một người dân ở đây cho biết nếu không đội MBH thì tự họ sẽ thấy lạc lõng, không giống ai.
Đội MBH dù không khó khăn gì nhưng việc thực hiện của nhiều người dân tại Hải Dương còn rất hạn chế. Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH trên tất cả các tuyến đường (từ ngày 15.12.2007) thì cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý tới 73.608 người không đội MBH, xử phạt hơn 10 tỷ đồng. Ước tính từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi tháng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh xử lý khoảng 1.000 trường hợp không đội MBH. Ngoài ra, còn rất nhiều người không đội MBH chưa bị xử lý. Cũng theo đánh giá này, tỷ lệ người đội MBH bảo đảm chất lượng chỉ đạt khoảng 70%, tỷ lệ trẻ em trên 6 tuổi đội MBH còn thấp, nhất là học sinh. Như vậy, còn khoảng 30% số người "đội cho có", đội kiểu chống đối chứ không quan tâm đến an toàn của bản thân.
Hậu quả của việc không đội MBH khi xảy ra tai nạn giao thông thì đã rõ. Nếu may mắn không tử vong thì cũng bị thương tích, thậm chí thương tật suốt đời. Ví dụ vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường tỉnh 390 đoạn qua xã Thanh Hải (Thanh Hà) vào tháng 6.2016 làm 3 người chết, 2 người bị thương nặng. Công an trích xuất camera đã phát hiện cả 5 nạn nhân đều không đội MBH. Qua phân tích 189 vụ tai nạn giao thông của năm 2018, 67% số vụ và số người chết, 73% số người bị thương liên quan đến mô tô, xe gắn máy. Nhiều nạn nhân trong số đó không đội MBH.
Văn hóa giao thông ngoài hướng đến lẽ phải, cái đẹp, cái thiện còn là một quy định mềm để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người tham gia giao thông. Để xây dựng văn hóa giao thông, trong đó có việc tự giác đội MBH, ngoài áp dụng chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc, rất cần những suy nghĩ và hành động tích cực, cụ thể của mỗi người.
CẨM GIANG (TP Hải Dương)