Quay đi ngoảnh lại chỉ còn mỗi mình mình, ngày ngày cứ chúi đầu vào bột màu, giá vẽ, hy vọng làm được một cái gì đấy.
Điện thoại réo bất kể lúc nào: đang ăn trưa, ngủ trưa, ăn tối, thậm chí 11 giờ đêm. Bao giờ tôi cũng phải là người nhấc máy.
- A lô! Chị làm ơn cho em gặp thầy...
Lại sinh viên của bố. Có lần tôi phát cáu lên:
- Bạn có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?
- Em xin lỗi! Nhưng lúc khác... thầy không có nhà - đầu dây bên kia giọng run run. Tôi thương hại và lại đưa máy cho bố.
Mẹ là dược sĩ về hưu hai năm rồi nhưng mở một hiệu thuốc tây khá lớn ngay ở tầng dưới. Tối nào mẹ cũng tính tiền, nhân chia cộng trừ, lỗ lãi chỉ một mình mẹ biết. Mẹ có tham vọng làm giàu nên còn kinh doanh cả bất động sản nữa.
Chị An là bác sĩ khoa sản, 32 tuổi, béo tốt, trắng trẻo nhưng không xinh, mặt cứ như tượng. Ở bệnh viện về, chị lao ngay vào buồng tắm và ngồi hàng tiếng đồng hồ trong đó. Khó tính nhất trên đời và sạch sẽ không ai bằng nên chị vẫn chưa có người yêu chứ không nói gì đến chuyện chồng con. Có lẽ chị bị mắc “bệnh nghề nghiệp” nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Tôi vốn xuề xòa, lại hay luộm thuộm nên chị quát suốt, mà tôi thì không thích bị ai quát cả. Thế là có chuyện.
Tôi học mỹ thuật, ước mơ trở thành họa sĩ nổi tiếng nhưng ra trường không được toại nguyện. Thịnh thích tôi làm nghề khác nên đã cậy cục xin cho tôi một chân trực điện thoại ở cơ quan bố anh, lương vài triệu đồng một tháng. Tôi thử, sau đúng năm ngày thì bỏ. Không phải vì lương không đủ tiền may quần áo mà vì tôi bị dị ứng với tiếng chuông điện thoại và không thích bị người khác sai vặt. Chúng tôi cãi nhau nhưng tối thứ bảy, Thịnh vẫn đến nhà đưa tôi đi chơi. Dường như chuyện ấy đã được lập trình sẵn trong đầu Thịnh rồi, tuần nào cũng thế, giống như một công thức vậy.
Tôi chán ngắt cuộc sống này nên đùng đùng đòi về nhà cậu chơi. Mang theo giá vẽ và những đồ dùng cần thiết, tôi rời xa Hà Nội ồn ào. Bố sửng sốt:
- Sao? Tưởng bỏ vẽ rồi cơ mà?
Mẹ nhìn tôi không chớp mắt:
- Thế thằng Thịnh có đồng ý không?
Tôi gắt:
- Anh ấy chẳng có quyền gì với con cả!
Chị An bĩu môi:
- Đúng là sướng không biết đường sướng.
Tôi tạm biệt Thịnh qua điện thoại.
- Em điên à? Sao lại coi thường anh như thế?
Tôi mệt mỏi, cúp máy.
*
Nhà cậu ở một nơi rất đẹp, trước mặt là biển, sau lưng là núi. Ngày bé tôi được mẹ cho về đây chơi hằng tháng mà không biết chán. Niềm đam mê vẽ tranh cũng bắt đầu từ đây, bắt đầu từ ông mặt trời chui lên khỏi mặt biển. Cậu mợ yêu tôi lắm, yêu như con đẻ vậy. Mợ thường ôm tôi ngủ và khóc, nước mắt mợ rơi cả sang má tôi âm ấm. Mãi sau này tôi mới hiểu được những tình cảm ấy, hiểu vì sao mợ lại hay khóc đến thế. Chị An cho tôi biết cậu mắc chứng vô sinh. Tôi phục sự chịu đựng kỳ diệu của mợ.
- Trời ơi! Nhung về đấy ư? Thế mà không gọi điện để cậu ra đón! - mợ vừa reo vừa hấp tấp chạy về phía tôi.
- Con tưởng cậu mợ đi dạy cả, con bắt xe về tận ngõ nhà mình đấy.
Cậu bất ngờ quá, cứ đứng ngây người trên bậc cửa. Mợ giục:
- Ơ kìa! Mình ra xách đồ cho con đi. Nó mệt lắm rồi đấy.
Tôi mệt thật. Lâu lắm rồi tôi mới đi một chuyến xa như thế này, 4 - 5 tiếng ngồi trên ô tô chứ ít gì. Vào đến nhà tôi nằm vật ra giường. Cậu mợ cứ đi đi lại lại bàn xem làm món gì cho tôi ăn. Tôi nhắm mắt, thấy không khí trong lành và dễ thở hơn bao giờ hết.
Chiều chiều, tôi mang giá vẽ ra bãi biển, lòng đầy cảm hứng và ngồi say sưa đến tận lúc trời nhá nhem tối mới về. Mùa này nắng nhạt, phủ lên mặt biển một thứ màu bàng bạc, nhìn không chán mắt. Tôi nghĩ đến những tác phẩm sẽ gửi dự thi, sẽ đoạt giải và nổi tiếng. Thế mà chút nữa tôi đã định giam mình bên chiếc máy điện thoại, không có biển, không có nắng và cả không có những bức tranh. Với tôi, đó không phải là cuộc sống.
Một tuần rồi hai tuần... Tôi chưa có ý định về Hà Nội. Làm cho cậu mợ vui, tôi cứ muốn ở đây mãi, để được ra biển vẽ. Ở đây mênh mông chứ không như Hà Nội. Tôi không phải nghe những tiếng reng... reng, tiếng mẹ tính toán tiền nong, tiếng chị An lẩm bẩm kêu bẩn... Nhưng mà nhớ Thịnh quá, không biết những tối thứ bảy vừa rồi Thịnh đi chơi với ai?
Mợ là người nhạy cảm, mợ thắc mắc:
- Nhung về đây là có lý do phải không?
- Vâng! Ở Hà Nội con không thể vẽ được!
- Chỉ thế thôi ư?
Tôi bật cười trước ánh mắt nghi ngờ của mợ. Mợ không hỏi nữa. Tôi vẫn thích thú với những việc đi chợ, nấu ăn và thỉnh thoảng còn giúp cậu mợ chấm bài cho học sinh.
Thịnh đến tìm tôi. Chuyện này thì tôi không thể ngờ tới được. Vừa kinh ngạc, vừa vui mừng, tôi định chạy ra ôm chầm lấy anh nhưng kịp sững lại vì chợt nhớ rằng chúng tôi đang giận nhau. Thịnh mỉm cười chào tôi, nụ cười rất hiền và bí ẩn:
- Cậu mợ đâu? Em ở nhà một mình à?
- Vâng! Cậu mợ đến trường rồi.
- Mình ra biển đi? - Thịnh rủ.
- Nhưng bây giờ vẫn còn nắng mà!
- Anh tưởng em quen với nắng biển rồi? - giọng Thịnh bắt đầu khiêu khích.
- Thì đi - tôi bằng lòng. Tôi không muốn cãi nhau với Thịnh nữa, chỉ muốn cho anh xem tôi vẽ cảnh biển đẹp như thế nào. Và tôi mang theo giá vẽ.
Suốt dọc đường đi bộ ra biển, Thịnh không nói gì. Tôi cố gắng huyên thuyên thật nhiều để lấp đi cái khoảng im lặng ghê sợ đó. Tôi bắt đầu vẽ, thèm được nghe một lời khen của Thịnh - Giống như ngày mới yêu nhau, Thịnh thường gọi tôi một cách âu yếm là “Cô họa sĩ tí hon của anh”. Thế mà bây giờ Thịnh ngồi cạnh tôi, không nói, không cười. Tôi vẫn không ngừng bút, không quay sang:
- Có chuyện gì thế anh? - tôi phải nhắc lại câu đó đến lần thứ ba Thịnh mới lên tiếng:
- Chúng ta chia tay ở đây thôi.
Chiếc bút trong tay tôi đi chệch đường, mực nhoe nhoét trên bức tranh đáng lẽ rất đẹp.
Thịnh giật mình:
- Anh xin lỗi! Anh làm hỏng tác phẩm của em rồi!
- Không sao! - tôi mỉm cười chua chát, chấm thêm mực và gạch xóa bức vẽ không thương tiếc. Hạnh phúc vỡ òa tan ra như bọt biển. Mắt ráo hoảnh, tôi nhìn Thịnh một cách kiêu hãnh:
- Được rồi! Anh về đi.
Tôi vứt giá vẽ lại, một mình bước những bước vững chắc đi dọc bờ biển. Gió tạt vào mặt mát rượi. Nỗi ấm ức bị nén lại trong lòng, muốn khóc mà không khóc được. Với lại tôi nghĩ cũng chẳng việc gì mình phải khóc. Bốn năm, hai tháng, 14 ngày, thời gian yêu nhau ấy không phải là ngắn thế mà cuối cùng Thịnh đã không hiểu tôi. Tiếc ư? Cũng tiếc thật đấy nhưng tương lai của tôi đâu chỉ có lấy chồng, sinh con và ngồi bên chiếc máy điện thoại... Tôi vừa đi vừa miên man nghĩ, dằn vặt mình thì ít mà tự an ủi mình thì nhiều.
Tối mịt tôi mới dẫn xác về nhà. Cậu mợ vẫn chờ cơm. Tôi ngồi vào bàn ăn, bình thường như mọi bữa. Rửa bát xong tôi nhìn thấy giá vẽ để ở góc nhà. Chắc là Thịnh đã mang về đây. Tự dưng nhớ lại lúc chiều, tôi chạy vào buồng nằm úp mặt xuống gối mà khóc. Khóc tức tưởi. Khóc như người bị oan ức. Cậu biết, mợ biết nhưng để tôi khóc hết nước mắt mợ mới vào đỡ tôi dậy:
- Mợ hiểu! Con không cần chia sẻ phải không?
Đêm ấy, mợ ôm tôi ngủ. Khuya, nước mắt mợ lại tràn sang má tôi âm ấm như ngày nào.
Hôm sau tôi quyết định về Hà Nội. Biết là năn nỉ tôi ở lại cũng khó nên cậu chở tôi ra bến xe và bảo:
- Mợ hay khóc thầm lắm. Nhà không có trẻ con nên cũng buồn. Nhung gắng về chơi nhiều hơn nhé!
Tôi “vâng” và nhận ra hai nếp nhăn trên trán cậu.
Về đến nhà, việc đầu tiên tôi làm là bàn với chị An xin cho cậu mợ một đứa con nuôi.
- Vớ vẩn! Trẻ con vứt đi thì chỉ có con hoang thôi. Nuôi làm gì cái thứ ấy.
- Nhưng cậu mợ nuôi chứ chị có phải nuôi đâu.
- Mày học được cái kiểu thương người ấy ở đâu thế? Nuôi trẻ con bẩn kinh lên được.
Tôi không thể thuyết phục được bà chị nên bỏ đi làm việc của mình. Tôi thuê địa điểm mở phòng tranh. Mẹ hốt hoảng:
- Sao mày và thằng Thịnh lại bỏ nhau hả?
- Vì con muốn trở thành họa sĩ.
- Thế nhất định phải trở thành họa sĩ à?
Tôi im lặng. Mẹ rầu rĩ:
- Lại ế như con chị mày thôi, thành bom nổ chậm ở trong nhà mất rồi.
Tôi phì cười, lần đầu tiên thấy mẹ lo cho con gái.
Mẹ bàn với bố mua cho tôi một căn nhà riêng để tôi thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ. Tôi không ngờ mẹ lại “thoáng” như vậy. Hóa ra đất Hà Nội đang sốt, mẹ bán hai suất mà lãi đến hàng trăm triệu. Bố thì thế nào cũng được vì bố chỉ quan tâm đến công việc của bố, ban ngày lên giảng đường, tối về viết sách, những cuốn sách bán hạ giá cho sinh viên rẻ như bèo mà bố vẫn say mê viết.
Tôi rủ thêm mấy người bạn học cùng lớp mỹ thuật thành lập xưởng vẽ. Tụi nó đều là con trai nên rất nhiệt tình. Thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức những chuyến đi thực tế chuẩn bị cho đợt triển lãm đầu tiên ra mắt giới hội họa thành phố. Tôi làm việc không biết mệt mỏi, làm việc để không bao giờ phải nhớ đến Thịnh. Nhiều lúc tôi và Thịnh đi ngược chiều trên đường phố, nhìn thấy nhau mà vội vã không cả kịp chào. Tim tôi thắt lại trong vài giây rồi lại đập bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
*
- Nhung ơi! Hôm nay có một bé gái kháu quá cơ. Mẹ nó sắp lấy chồng Đài Loan nên muốn cho đấy. Chị ta chỉ cần 3 triệu thôi. Mày gọi điện hỏi xem cậu mợ có ưng không? - vừa về đến nhà chị An đã nói toáng lên rồi chui tọt vào buồng tắm. Tôi ngạc nhiên quá, chưa kịp hỏi đầu đuôi thế nào thì đã nghe thấy tiếng hát của chị An vọng ra. Mẹ nháy:
- Chị mày đang yêu đấy!
- Thảo nào! Ai thế hả mẹ?
- Một bác sĩ. Mỗi tội hơi xấu trai.
- Nhưng chị con cũng có xinh đẹp gì đâu.
- Ừ!
- Bắt quả tang nhé! Hai người nói xấu con - chị An lao từ buồng tắm ra, nhanh hơn mọi hôm đến 30 phút. Trông chị trẻ hơn 10 tuổi. Tôi phải cảm ơn cái anh bác sĩ gì đó đã làm chị tôi thay đổi đến chóng mặt.
Cậu mợ lên Hà Nội làm thủ tục nhận con nuôi. Cả hai cùng mừng lắm, mừng như vớ được của. Nó được đặt tên là Vàng Anh. Chị An cứ tranh bế Vàng Anh mãi, xem chừng bà chị muốn có con lắm rồi đây. Bố đi dạy về, lên tiếng từ ngoài cửa:
- Nhà mình có chuyện gì mà vui vẻ thế?
Tôi chạy ra dắt xe vào cho bố:
- Từ từ con sẽ kể bố nghe, lạ lắm cơ.
Bố không mừng cho sự thay đổi của chị An mà thở dài đánh thượt một cái:
- Thật đáng thương cho người đàn bà đẻ con ra mà lại không được nuôi!
Tôi nín lặng, tự dưng thấy buồn buồn.
Chị An lấy chống. Bố mẹ đi du lịch Trung Quốc. Thịnh bây giờ đã có người yêu mới, không phải là họa sĩ. Bạn bè tôi lần lượt vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Quay đi ngoảnh lại chỉ còn mỗi mình mình, ngày ngày cứ chúi đầu vào bột màu, giá vẽ, hy vọng làm được một cái gì đấy. Đôi lúc thấy cô độc, thấy hụt hẫng kinh khủng, định về chơi với cậu mợ nhưng lại thôi vì cậu mợ đã có bé Vàng Anh rồi. Biển thì bao nhiêu năm vẫn thế, tôi đã vẽ nhiều lắm, được người ta khen nhưng tôi chưa thỏa mãn. Tôi nhiều lần, từ ngoài thành phố về, nhìn vào bức vẽ biển còn dang dở dựng trên căn gác nhỏ của mình, lại thấy chộn rộn trong lòng.
Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH