Phát huy hiệu quả, các mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau ở Hải Dương đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người cao tuổi phát huy vai trò của mình.
Ở nước ta, người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước, toàn xã hội quan tâm. Việt Nam cũng là một trong rất ít quốc gia trên thế giới đưa vấn đề chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi vào luật, từ đó tạo điều kiện cho người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn.
Được phép của Chính phủ, từ những năm 2000, Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HelpAge Intenational, viết tắt là HAI) phối hợp với Hội Người cao tuổi và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng và đưa ra mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau vào hoạt động.
Sau khi nhận thấy mô hình phát huy hiệu quả trong chăm sóc người cao tuổi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án số 1533 (đề án thứ nhất), nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên cả nước giai đoạn 2016-2020; tiếp đến là đề án số 1336 (đề án thứ hai) cho giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện Đề án của Chính phủ, các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Hải Dương đã nhanh chóng triển khai và nhân rộng mô hình này. Theo tổng hợp của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, đến nay cả nước đã xây dựng được trên 7.300 câu lạc bộ đang hoạt động tốt.
Mỗi câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có từ 50-70 thành viên, trong đó có 70% số thành viên là người từ 60 tuổi trở lên. Đặc biệt, câu lạc bộ tập hợp được những người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi cần trợ giúp xã hội để hỗ trợ.
Câu lạc bộ được thành lập và hoạt động hiệu quả đã mang lại ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Đây là mô hình toàn diện vừa chăm sóc vừa phát huy vai trò và sự tham gia của người cao tuổi. Với 8 mảng hoạt động, câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng, đặc biệt người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Nét nổi bật của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là các thành viên thường xuyên đề cao vai trò của việc hỗ trợ cộng đồng. Các hội viên giúp đỡ nhau, giúp đỡ người dân bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ thu hoạch mùa màng cho các thành viên bị ốm, hoạn nạn; phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương đảm nhận việc thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh... Các hoạt động này vừa giúp gắn kết thành viên, vừa được các cấp, các ngành chức năng ghi nhận, đánh giá cao.
Hằng tháng, qua các buổi sinh hoạt, các thành viên cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, có ý thức giúp nhau trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần, vui vẻ, tự tin và có sự gắn kết tốt hơn với làng xóm. Nhờ đó, mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau không những được người cao tuổi cả nước đón nhận, được cấp ủy, chính quyền các cấp ủng hộ, nhân rộng mà còn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Tại Hải Dương, những năm qua, Hội Người cao tuổi các cấp được giao chủ trì triển khai đề án nên đã tích cực vận động hội viên tham gia. Câu lạc bộ chủ động vận động nguồn vốn thông qua nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tài trợ từ Tổ chức HAI, vận động hội viên chung tay đóng góp nhân rộng mô hình.
Hiện nay, các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập trên địa bàn tỉnh đều hoạt động đạt hiệu quả, đạt các chỉ tiêu đề ra, mang lại nhiều lợi ích cho người cao tuổi.
Theo các đề án của Chính phủ thì đến hết năm 2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 170 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình vào những năm tiếp theo.
Đến nay, Hải Dương đã xây dựng được 148 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, gần 63 % số xã, phường có câu lạc bộ này. Các câu lạc bộ dù được thành lập từ nguồn tài trợ nào cũng đều được tập huấn theo cách “cầm tay chỉ việc” về quản lý vận hành cho thành viên ban chủ nhiệm; được cấp hỗ trợ (không thu hồi) nguồn vốn ban đầu từ 50-80 triệu (tùy theo từng dự án). Các thành viên được vay vốn này để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Có khoảng 15% số câu lạc bộ duy trì hoạt động được từ 7-11 năm, vận động quỹ được trên 150 triệu đồng/câu lạc bộ. Một số câu lạc bộ còn có số vốn từ 180-200 triệu đồng.