Xã hội

Nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3, thứ 4 cần lắm một "điểm tựa"

THANH HÀ 10/08/2024 05:40

Ở phạm vi cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng, các cháu, chắt của những người nhiễm chất độc da cam chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

img_3283.jpeg
Cháu Lê Hoàng Anh (bên phải) ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) là thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam

Thiệt thòi

Dù đã 10 tuổi nhưng cháu Lê Hoàng Anh ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) vẫn phải có người trông nom, chăm sóc. Những lúc không có ai trông, cháu bị nhốt vào cũi. So với bạn bè cùng trang lứa, cháu gầy gò, thấp bé hơn. Cháu Hoàng Anh là cháu ngoại của ông Nguyễn Văn Minh.

Từ năm 1966 - 1972, ông Minh tham gia chiến đấu ở chiến trường B. Khi về địa phương, ông được xác định nhiễm chất độc da cam 41%. Vợ chồng ông Minh sinh được 6 người con, may mắn có 3 người con được xác định bình thường, nhưng 3 người bị nhiễm chất độc da cam là chị Nguyễn Thị Mai, chị Nguyễn Thị Tuyết và anh Nguyễn Văn Tuấn.

Theo ông Minh, sau khi xây dựng gia đình, chị Mai đã sinh 10 lần nhưng 6 lần cháu bé đã mất ngay khi sinh ra, 3 cháu tuy lành lặn, nhưng sức khỏe hạn chế. Riêng cháu Hoàng Anh thì biểu hiện rõ ràng của nhiễm chất độc da cam.

Ngoài cháu Hoàng Anh, ông Minh còn 1 người cháu gái nữa là con của chị Nguyễn Thị Thùy. Cháu này đã 18 tuổi nhưng không tự phục vụ được bản thân, đều phải nhờ bố mẹ giúp đỡ.

Ông Minh cho biết hiện gia đình các con ông rất khó khăn. Những người xác định nhiễm chất độc da cam đều phải dùng thuốc điều trị để ổn định tâm, thần kinh. Riêng 2 người cháu của ông có biểu hiện rất rõ ràng nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ. “Chúng tôi đã rất thiệt thòi khi bệnh tật hành hạ. Mong cơ quan chức năng sớm xem xét cho các cháu được hưởng chế độ chất độc da cam”, ông Minh nói.

Còn ông Đinh Mạnh Cường ở thị trấn Gia Lộc bị điếc, sức khỏe yếu do ảnh hưởng của chất độc da cam. Ông Cường có 2 người con, trong đó chị Đinh Thị Phúc được xác định nhiễm chất độc da cam và hưởng trợ cấp hằng tháng. Con trai ông Cường là anh Đinh Văn Hạnh tuy không bị nhiễm nhưng con của anh lại bị ảnh hưởng. Cháu Đinh Anh Kiệt bị giãn đài bể thận bẩm sinh. Tuy năm nay mới 11 tuổi nhưng cháu đã phải mổ thận 5 lần và thường xuyên uống thuốc. “Chúng tôi mong muốn cháu được hưởng chế độ của người nhiễm chất độc da cam để khi nằm viện giảm bớt chi phí cho gia đình”, ông Cường nói.

z5708312044157_3e6dff16d4ed141927d1ba2cf2c86621.jpg
Cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị trấn Gia Lộc (bên trái) thăm hỏi gia đình ông Đình Văn Cường ở thị trấn Gia Lộc

Dai dẳng

Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 11.000 hội viên. Qua khảo sát của hội, hiện có 531 người là thế hệ thứ 3 và 7 người là thế hệ thứ 4 bị nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, con số này còn nhiều hơn nữa bởi có gia đình không muốn cung cấp thông tin về tình trạng con, cháu của họ. “Dù họ có biểu hiện rõ ràng về di chứng của chất độc da cam nhưng thế hệ thứ 3, thế hệ thứ 4 lại chưa được hưởng trợ cấp thuộc diện này. Hiện nay, chỉ một số người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội”, ông Vũ Xuân Thu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã trút xuống miền Nam nước ta khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam.

Chất độc này ảnh hưởng toàn bộ cơ thể, gây ra các bệnh ung thư da, tổn thương da, gan, đột biến gene và nhiễm sắc thể, từ đó dẫn tới các dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản... Đặc biệt, chất độc da cam dai dẳng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những tổn thương ở thế hệ kế tiếp thậm chí còn nặng nề hơn thế hệ thứ nhất.

img_3287.jpeg
Gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) có 3 con và 2 cháu nhiễm chất độc da cam

Những năm qua, Hải Dương có nhiều hoạt động chăm lo cho những người nhiễm chất độc hóa học, chất độc da cam như thăm, tặng quà vào các dịp lễ, Tết, Ngày Vì Nạn nhân chất độc da cam/dioxin... Những hoạt động đó phần nào đã xoa dịu những nỗi đau, thiệt thòi mà những người nhiễm chất độc da cam phải gánh chịu. “Chúng tôi mong những người thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4 sớm được hưởng chế độ dành cho người nhiễm chất độc da cam. Bản thân họ bị nhiều bệnh tật, đều không thể tự nuôi sống được bản thân mà phải nhờ vào người thân giúp đỡ”, ông Thu cho biết thêm.

Những người thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4 cần lắm một điểm tựa, được hỗ trợ để họ ổn định cuộc sống. Bởi lẽ, chỉ một thời gian nữa khi cha mẹ mất đi, họ sẽ không còn điểm tựa bền vững.

THANH HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3, thứ 4 cần lắm một "điểm tựa"