Xây dựng Đảng

Những “điểm tựa” cho công tác cán bộ trước Đại hội Đảng các cấp

NGUYỄN HỒNG SƠN (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương) 28/08/2024 05:30

Các quy định mới của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên và thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ là những “điểm tựa” quan trọng cho công tác cán bộ trước Đại hội Đảng các cấp.

00:00

dsc_0586-1-.jpg
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hải Dương đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Trong ảnh: Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trao quyết định về điều động, bổ nhiệm các lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Huyện ủy Kim Thành ngày 31/7

Tự soi, tự sửa, phải chịu trách nhiệm

Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng ta đã cụ thể hóa chủ trương trên bằng nhiều văn bản để cán bộ, đảng viên thực hiện, trong đó có Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới tiếp tục thể hiện sự nhất quán, quyết tâm cao của Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Quy định có 6 điều với 21 điểm, nội dung rất ngắn gọn, cụ thể, bao hàm một cách toàn diện 19 chuẩn mực cán bộ, đảng viên phải thực hiện đối với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc. Đây là những chuẩn mực quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên, từ cán bộ cấp chiến lược, cấp cao đến cán bộ cấp cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đồng thời là căn cứ để đánh giá phẩm chất, nhân cách, thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên.

Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị chính là tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ các chức vụ tự soi, tự rèn, tự sửa và phải sửa. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp ủy lựa chọn, bổ sung những cán bộ, đảng viên có đức, có tài, đủ tâm, đủ tầm để thực hiện nhiệm vụ, xây dựng cấp ủy nhiệm tới và cũng là căn cứ để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ thực sự là bước đột phá của Đảng, góp phần quan trọng để thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định này quy định về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ, gồm: Giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý. Điều này có nghĩa người đứng đầu được giao thêm nhiều thẩm quyền để lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ để đáp ứng yêu cầu công việc.

Cùng với giao thêm thẩm quyền, Quy định số 142-QĐ/TW nêu rất rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu về nhân sự mình giới thiệu. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong các trường hợp sau: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan; không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác; miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định. Đây là những căn cứ để phòng chống, ngăn chặn, xử lý nghiêm tư tưởng, biểu hiện, việc làm “cánh hẩu”, “bè phái”, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ và người đứng đầu cũng không thể “hạ cánh an toàn” nếu có sai phạm.

Không để lọt vào cấp uỷ những người không đủ đức, đủ tài

dsc_1297-g(1).jpg
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy quán triệt, triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII ngày 4/7

Quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo, quy định, kết luận của Đảng, thời gian qua Hải Dương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ của tỉnh đã và đang chuyển từ "định tính" sang "định lượng", được thực hiện theo hướng đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể với cá nhân và với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thực hiện Đề án số 02, ngày 15/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030, cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn phải xây dựng và trình bày chương trình hành động.

Theo đó, cán bộ từ cấp phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên phải xây dựng và trình bày chương trình hành động tại hội nghị bước 2 của quy trình nhân sự (trước khi hội nghị tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự) và tại hội nghị tập thể lãnh đạo (trước khi bỏ phiếu biểu quyết bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử). Việc xây dựng, trình bày chương trình hành động được thực hiện chặt chẽ, theo đúng tinh thần "5 rõ" là rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm. Đây là thước đo quan trọng làm cơ sở đánh giá đúng năng lực và xem xét bố trí, sử dụng hiệu quả cán bộ.

Hải Dương cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương và thực hiện Kết luận số 01- KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Từ năm 2022, Hải Dương thực hiện quy định mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng trở lên phải đăng ký công việc đột phá, sáng tạo trong năm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt 538 công việc đột phá, sáng tạo của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo, quản lý là cấp trưởng diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Kết quả thực hiện là căn cứ để cuối năm đánh giá, xếp loại cán bộ. Trên cơ sở đó có phương án bố trí, sử dụng, phát huy năng lực của cán bộ, đồng thời gợi ý kiểm điểm đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ đã đăng ký.

Thời gian qua, trong tỉnh có không ít trường hợp cán bộ quản lý là người đứng đầu được điều động, bố trí công tác khác khi địa phương, cơ quan, đơn vị mình quản lý có nhiều hạn chế kéo dài mà không cần chờ đến hết nhiệm kỳ hay hết thời gian được bổ nhiệm.

z5615201818144_0a0ac41e04cb857ff3b9eefac0a57cef-1-.jpg
Các đại biểu huyện Cẩm Giàng dự hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Các cấp ủy ở Hải Dương đang tập trung quán triệt, cụ thể hóa các nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong quá trình chuẩn bị, tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, Hải Dương sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; quy định về bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực của cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ.

Quan điểm và mục tiêu nhất quán của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là sàng lọc hiệu quả để không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài. Đồng thời, kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ khoá mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện"lợi ích nhóm", có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"...

Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và Quy định số 142-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ đã thực sự tạo thêm những “điểm tựa” cho công tác cán bộ để các cấp ủy trong tỉnh Hải Dương tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIV của Đảng.

NGUYỄN HỒNG SƠN (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những “điểm tựa” cho công tác cán bộ trước Đại hội Đảng các cấp