Ông Thành cho biết năm 2016, thực hiện chương trình thu hút nhân tài của thành phố đơn vị này mời được 4 nhà khoa học. Trong đó, có một chuyên gia người Nhật từng là Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Công ty Toyota, có kinh nghiệm rất cao về công nghệ cảm biến. Giai đoạn thí điểm, họ nhận mức lương 50 triệu, riêng ba người nước ngoài mỗi tháng qua Việt Nam làm việc 10 ngày, chi phí sinh hoạt, thuê khách sạn do Trung tâm trả.
Qua ba năm, các nhà khoa học đã mang lại nhiều kết quả như xây dựng hệ thống cảnh báo ngập cho TP Hồ Chí Minh; thiết lập phòng thí nghiệm hiện đại nhất và duy nhất trên cả nước với kinh phí ban đầu là 70 tỷ đồng. Ngoài ra, họ còn mang về một dự án quốc tế với Úc và Nhật, kinh phí gần 10 tỷ đồng. "Đây là những đóng góp không nhỏ so với số tiền mà thành phố đã bỏ ra", ông Thành đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Thành sau khi hết giai đoạn thí điểm, mọi cơ chế thay đổi. Cách tính thu nhập quay lại hệ số lương, chuyên gia chỉ còn được nhận hệ số lương 9.4, tương đương hơn 18 triệu đồng, sau khi trừ 20% thuế thu nhập cá nhân với người nước ngoài thì chỉ còn khoảng 13-14 triệu đồng.
"Các chuyên gia đặt câu hỏi thu nhập đó sao họ sống được", ông Thành nói và cho biết thêm ngay cả thủ tục lập tài khoản ngân hàng trả lương cho các nhà khoa học cũng rất khó vì vướng quy định về hợp đồng lao động với người nước ngoài.
Do đó, ông Thành kiến nghị thành phố chỉ quy định mức trần như giai đoạn thí điểm trước đây, mức 120-150 triệu đồng mỗi tháng, còn lại để doanh nghiệp và chuyên gia thoả thuận lương theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế để chuyên gia góp phần tạo ra các sản phẩm công nghệ có thể được hưởng tỷ lệ lợi ích từ việc thương mại hoá các sản phẩm này.
Đồng quan điểm, TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết thành phố có nhiều đề án hay, đột phá, nhưng cơ chế giải ngân ở khâu đầu tư nghiên cứu rất chậm, gây khó cho nhà nghiên cứu. Có đề án chỉ vài trăm triệu đồng, nhưng mất vài năm đơn vị liên quan mới giải ngân được.
Ông Tuấn đề xuất giải pháp Trung ương cho TP Hồ Chí Minh cơ chế đặc thù để thử nghiệm mô hình mới, cụ thể như quỹ hợp tác công tư trong đầu tư phát triển đô thị - nhà nước và tư nhân cùng tham gia, có cơ chế sát với nguyên tắc của thị trường. Với ngân sách từ quỹ này, thành phố có thể mời chuyên gia quốc tế, trả mức lương như thị trường, thành phố đặt hàng sản phẩm và giám sát chất lượng.
"Khoản chi không đáng bao nhiêu, nhưng kết quả có thể xây dựng được những khu đô thị trị giá hàng tỷ USD", ông nói.
Kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết đồng tình với ý kiến của các chuyên gia và sẽ tổng hợp kiến nghị gửi thành phố. Theo ông, cơ chế đặc thù đòi hỏi quá trình thực hiện phải có con người, bộ máy phù hợp. "Chỉ những người dám hành động khác thường mới có sức mạnh để phá vỡ những cái thông thường", ông nói.
Nghị quyết 54 do Quốc hội ban hành, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ tháng 1.2018 đến hết năm 2022. Hiện các chuyên gia đang cùng thành phố tổng kết Nghị quyết 54 và đề xuất các chính sách cho nghị quyết mới thay thế.
TP Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, HĐND, chuyên gia, bộ, ngành đối với dự thảo mới thay thế Nghị quyết 54. Dự kiến trong tháng 8, thành phố sẽ báo cáo Bộ Chính trị để kịp thông qua ở kỳ họp Quốc hội cuối năm.
Theo VnExpress