Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã hướng dẫn viết sáng kiến kinh nghiệm năm học 2019 - 2020.
Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai hướng dẫn viết sáng kiến và hướng dẫn cán bộ, giáo viên tự nguyện đăng ký viết sáng kiến năm học 2019 - 2020.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục có trách nhiệm rà soát, xác nhận sáng kiến của đơn vị sau khi có ý kiến thống nhất của tổ chuyên môn và gửi về Sở GDĐT đề nghị công nhận cấp cơ sở.
Sáng kiến đề nghị công nhận các cấp phải bảo đảm các yêu cầu về nội dung, hình thức theo văn bản hướng dẫn của sở, thể hiện tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả, khoa học và sư phạm.
Đồng thời, bảo đảm tính pháp lý và chưa từng công bố trên sách, báo hay đã được hội đồng sáng kiến các cấp công nhận.
Phạm vi công nhận là sáng kiến gồm các giải pháp về kỹ thuật, quản lý, tác nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
Giải pháp kỹ thuật là cách thức, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) GDĐT như sản phẩm cụ thể, quy trình.
Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc các lĩnh vực GDĐT như kiểm tra, giám sát công việc tại các cơ quan quản lý, các cơ sở GDĐT, chỉ đạo, triển khai các mặt hoạt động trong nhà trường: quản lý chuyên môn, chất lượng, dạy thêm, học thêm, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, triển khai các phong trào thi đua, hoạt động đoàn thể, tập thể, ngoài giờ lên lớp.
Giải pháp tác nghiệp bao gồm phương thức thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc lĩnh vực GDĐT hoặc liên quan như cải cách thủ tục hành chính, thẩm định, giám định, tư vấn, đánh giá, tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy, huấn luyện.
Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức hoặc biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn quản lý giáo dục và dạy học.
Sáng kiến cần trình bày với các nội dung: trang bìa in trên giấy bìa; mục lục đặt ngay sau trang bìa; thông tin chung về sáng kiến gồm: tên sáng kiến, lĩnh vực áp dụng, tác giả, chủ đầu tư, đơn vị áp dụng sáng kiến lần đầu, các điều kiện cần thiết để áp dụng.
Tóm tắt nội dung sáng kiến cần tập trung vào các nội dung: hoàn cảnh nảy sinh, điều kiện, thời gian, đối tượng áp dụng, chỉ rõ tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng (tính khả thi của các giải pháp), khẳng định giá trị, kết quả đạt được, đề xuất kiến nghị để thực hiện áp dụng hoặc mở rộng sáng kiến.
Phần mô tả sáng kiến cần ngắn gọn, đầy đủ, rõ ràng về các bước thực hiện, điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến. Trong đó, phải chỉ rõ tính mới, tính sáng tạo, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với lý luận về giáo dục, phù hợp với chủ trương, chính sách hiện hành về GDĐT của Đảng, Nhà nước. Kết luận sáng kiến cần khẳng định kết quả mà sáng kiến mang lại.
Tác giả cần chú ý ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của nội dung tham khảo, trích dẫn các nội dung trên internet, sách, báo, tạp chí, các tài liệu khác.
DT