6 tháng đầu năm nay, Hải Dương tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng như cầu Mây, đường dẫn cầu Hàn nối từ đường 5B đến quốc lộ 37...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) 6 tháng đầu năm của cả nước mới đạt 33,9% kế hoạch.
ĐTC có vị trí rất quan trọng, có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, tạo việc làm cho người dân, vực doanh nghiệp dậy sau đại dịch Covid-19. Giải ngân nhanh vốn ĐTC sẽ kéo theo các nguồn vốn đầu tư khác, nhất là nguồn vốn vay của nước ngoài. ĐTC không những tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác mà còn giúp tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực xã hội, tạo sự lan tỏa đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc giải ngân vốn ĐTC trong thời gian qua còn chậm có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, khối lượng phát sinh ngoài dự kiến. Nhưng vướng mắc hơn cả là sự trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến giải ngân vốn ĐTC mới chỉ đạt gần 40% vốn ngân sách nhà nước và 10% vốn ODA. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bức xúc phát biểu trong phiên họp thường trực Chính phủ: "Đó là sự tắc trách của các chủ đầu tư. Vậy ông Bí thư, ông Chủ tịch có xắn tay áo lên để giải phóng mặt bằng không? Khi đề nghị dự án thì rất quyết liệt nhưng khi giải phóng mặt bằng thì giao cho cấp dưới, không quyết tâm, vì sao?".
Cuộc họp trực tuyến ngày 16.7 với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói về giải ngân vốn ĐTC rằng đây không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người, từ công trình mà giải quyết tiền lương, tiêu thụ vật liệu, giải quyết việc làm cho hàng triệu người... Chúng ta phải nhận thức được ý nghĩa này để quyết tâm chính trị, thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC tốt hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiên quyết xử lý những bộ phận, những cá nhân thiếu trách nhiệm và công bố lên phương tiện thông tin đại chúng. Phải quy trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới có hy vọng chuyển biến tình hình. Từ tháng 8 sẽ chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, kể cả vốn ODA, không để tình trạng giải ngân vốn ĐTC trì trệ như hiện nay.
Thời gian qua, Hải Dương đã có nhiều cố gắng trong giải ngân vốn ĐTC. Năm 2019, tỉnh ta là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn ĐTC. 6 tháng đầu năm nay, Hải Dương tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng như cầu Mây, đường dẫn cầu Hàn nối từ đường 5B đến quốc lộ 37, sắp hoàn thành công trình Trung tâm Văn hóa xứ Đông... Giải ngân vốn ĐTC đã tăng 6,5% so với kế hoạch, góp phần tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 2,86%.
Thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Hải Dương đang tích cực giải ngân vốn ĐTC để thúc đẩy nền kinh tế, bảo đảm các nguồn thu, nhất là thu ngân sách nhà nước mà 6 tháng đầu năm mới đạt 45,3% dự toán, hụt thu các doanh nghiệp lớn lên tới 1.700 tỷ đồng. Đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC góp phần tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ cho gần 400 doanh nghiệp ngừng sản xuất, 77 doanh nghiệp phải giải thể với hàng nghìn lao động thiếu, mất việc làm... Tập trung đẩy mạnh 3 lĩnh vực: ĐTC và đầu tư xã hội, kích cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu.
Đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2020, dù khó khăn đến mấy cũng phải quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch giải ngân vốn ĐTC 2020 vì nó là cứu cánh của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
VŨ HOÀNG LUYẾN