Giữa tháng 5, Việt Nam đánh dấu một tháng không có ca COVID-19 ngoài cộng đồng trong bối cảnh hầu hết quốc gia trên thế giới khốn khổ vì dịch bệnh.
Xe đặc chủng của quân đội khử trùng ở phố cổ Hội An, Quảng Nam
Thành tựu này không chỉ giành được sự tin tưởng của người dân mà còn được cộng đồng quốc tế cảm phục.
Nói với Đài BBC thời điểm đó, tiến sĩ Todd Pollack, lãnh đạo Chương trình hợp tác tăng cường sức khỏe ở Việt Nam của Đại học Harvard tại Hà Nội cho rằng một trong những yếu tố khiến Việt Nam chống dịch thành công là giới lãnh đạo đã phát động chiến dịch tạo tinh thần "cả xã hội cùng chung tay đánh bại kẻ thù" với những khẩu hiệu và hình ảnh phong cách thời chiến.
Phong cách thời chiến mà vị chuyên gia Mỹ đề cập chính là mệnh lệnh "chống dịch như chống giặc" thể hiện trong các văn bản chính thức của Chính phủ Việt Nam, cho thấy sự đánh giá đúng sự nguy hiểm của virus, từ đó đề ra các biện pháp quyết liệt để quét sạch "kẻ thù vô hình".
Các biện pháp chống dịch của các nhà lãnh đạo Việt Nam, theo ông Pollack, nhận được sự ủng hộ của hầu hết người dân vì họ "thấy Chính phủ đang làm những gì có thể và đã thành công, đồng thời bảo vệ người dân với bất cứ giá nào".
Ông Jean-Noel Poirier, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam cũng đã có những nhận xét đầy ngưỡng mộ về thành công chống dịch của Việt Nam trên báo Pháp. Ông Poirier cho rằng ngay từ những ngày đầu, Việt Nam đã áp dụng triệt để các biện pháp quyết liệt: truy vết người và nhóm người nghi nhiễm, xét nghiệm và cách ly. Cách làm này đạt hiệu quả bởi vì được toàn dân đồng tình và thực hiện.
"Trước kẻ thù, một tập thể gắn kết, kỷ luật và được lãnh đạo tốt bao giờ cũng chiến thắng được đám đông những cá nhân tự tung tự tác, không nghe lời chỉ huy", ông quan sát với tư cách người trong cuộc: bệnh nhân COVID-19 được điều trị ở Hà Nội.
Chống dịch theo bản sắc Việt Nam, tức cả hệ thống chính trị và người dân cùng chuyển sang tinh thần chống dịch thời chiến, từng được truyền thông quốc tế xem như một hình mẫu chống dịch, làm bài học kinh nghiệm cho nhiều nước.
Về cuộc chiến chống COVID-19 giai đoạn mới ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nêu cao tinh thần "chống dịch như chống giặc", trong đó nêu bật vai trò của người dân khi ví "mỗi gia đình, thôn bản, xóm làng là một "pháo đài", mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch".
Tinh thần chống dịch như thời chiến càng nên được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều nước đang chứng kiến gia tăng số ca nhiễm và tử vong từ làn sóng dịch bệnh thứ hai do người dân bất hợp tác với chính phủ.
Mới nhất, liên đoàn các bác sĩ Đức thừa nhận nước này có nguy cơ đánh mất đi thành công chống dịch ban đầu khi người dân tụ tập biểu tình phản đối các biện pháp giới hạn ngăn dịch của chính phủ. Trong khi đó, nước Mỹ cũng đang chứng kiến dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu hơn khi các bên vẫn chia rẽ sâu sắc về việc đeo khẩu trang phòng dịch.
Với tinh thần tập trung cao độ chống dịch như thời chiến cùng với những bài học kinh nghiệm quý báu giai đoạn 1, chúng ta có đủ cơ sở để tự tin về chiến thắng trong cuộc "đánh giặc virus lần 2", với điều kiện người dân đặt niềm tin vào Chính phủ, vào những vị tướng chống dịch ở tiền phương, đặc biệt là y bác sĩ tuyến đầu và đội ngũ chuyên gia am hiểu vấn đề, có đủ thông tin, biết cần phải làm gì trước, việc gì sau... Thiếu đồng lòng, phân tâm sẽ là những lỗ hổng dẫn đến dịch bệnh bùng phát.
QUỲNH TRUNG