Đằng sau vòng nguyệt quế

22/09/2019 08:28

Quán quân của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" lần thứ 19 (năm 2019) thuộc về em Trần Thế Trung, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, TP Vinh (Nghệ An).

Đó là niềm tự hào của gia đình em, thầy cô, nhà trường đã đào tạo nên một học sinh xuất sắc cho đất nước.

Theo thông lệ, em Trung sẽ nhận phần thưởng khoảng 800 triệu đồng và được đi du học ở Australia trong 4 năm. Nhiều người mừng vì sau cơ hội và thời gian học tập ở nước ngoài sẽ có thêm một trí thức, một nhà khoa học trở về phụng sự đất nước, góp phần xây dựng Tổ quốc giàu đẹp, văn minh… Nhưng tất cả còn đang ở phía trước. Sự cố gắng của các em liệu có dành để trở về phụng sự đất nước?

Trải qua 19 mùa “Đường lên đỉnh Olympia”, đến nay đã có 19 quán quân được xác định. Đó thực sự là những người trẻ xuất sắc, đã khổ công rèn luyện, học tập, là những triển vọng của đất nước. Họ là những nam thanh, nữ tú tiêu biểu cho thế hệ trẻ có nhiều hoài bão ước mơ lớn.

Họ sẽ được ra nước ngoài nghiên cứu, học tập những gì tinh hoa của nhân loại những mong sẽ quay lại phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới, làm vẻ vang cho Tổ quốc Việt Nam…

Nhưng có một thực tế chỉ có vài ba người sau khi thành công trong học tập trở về Việt Nam tìm những công việc thích hợp cho mình. Trong số đó có Chu Phương Thảo (quê Vĩnh Long), chị học xong về TP Hồ Chí Minh tìm việc.

Anh Lê Viết Hà (quê Quảng Ngãi) cũng hồi hương tham gia xây dựng quê hương. Số đông còn lại ở lại làm việc tại nước ngoài không trở về cống hiến cho quê hương nữa.

Có người từng bình phẩm nước ta đào tạo nhân tài cho nước ngoài. Việt Nam đang "chảy máu" trí thức. Tại sao có hiện tượng như vậy?

Còn nhớ thời kỳ đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ sang Pháp. Khi trở về Người đã đón được rất nhiều trí thức tài năng cùng về nước, tham gia kháng chiến và cống hiến dựng xây quê hương.

Mặc dù lúc đó cuộc sống gian khổ, đói khát, hiểm nguy bom đạn chiến tranh nhưng các nhân tài, trí thức vẫn quyết tâm trở về cùng đồng hành với dân tộc. Nhiều người trở thành anh hùng. Họ sống mãi với non sông, đất nước.

Nay, sau 74 năm, đất nước hòa bình thống nhất, vận hội rộng mở thênh thang, uy tín trên trường quốc tế ngày càng cao… Vậy mà nhiều người lại không muốn trở về để cùng tham gia cống hiến, dựng xây, phát triển đất nước.

Câu hỏi đặt ra phải làm thế nào để thu hút nhân tài, khi mà đất nước đang trên đường hội nhập? Khi có chính sách thu hút nhân tài cụ thể, đủ sức hấp dẫn thì chẳng cần mời mọc, tự những người tài, trí thức, người từng có vòng nguyệt quế vinh quang sẽ trở về phụng sự và cống hiến cho Tổ quốc. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia",  do đó đã đến lúc chính sách thu hút nhân tài cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương đến các địa phương.

Từ ngày 10.9, quy định về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đi đào tạo sau đại học, thưởng phong học hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn do UBND tỉnh Hải Dương ban hành có hiệu lực. Đây cũng là cách để tỉnh chiêu mộ nhân tài về làm việc và cống hiến cho quê hương. Hải Dương cần thực hiện hiệu quả chính sách thu hút nhân tài mới trên. 

LÝ YẾN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đằng sau vòng nguyệt quế