Đằng sau những bảng điểm trên Facebook

30/05/2019 08:44

Năm học vừa kết thúc với những buổi lễ tổng kết của các nhà trường, ngay lập tức trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đầy rẫy hình ảnh những tờ giấy khen, bảng điểm của học sinh.

Người đăng tải những hình ảnh này một cách đầy tự hào chính là cha mẹ của các em. Nếu như trước kia việc khoe thành tích học tập của con cái phải cần đến những dịp tập trung đông người thì nay chỉ cần một cú nhấp chuột, cả cộng đồng người quen trên mạng của bạn đã có thể biết về điều này. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui của cha mẹ, có nhiều điều đáng băn khoăn, suy nghĩ ẩn chứa đằng sau những bảng điểm, giấy khen "đẹp long lanh" đó.

Dư luận đang xôn xao lên tiếng về việc lớp học có 42 trong tổng số 43 học sinh là học sinh giỏi. Tỷ lệ cao tới mức đáng kinh ngạc (gần 100%) ấy thực ra chẳng phải điều gì quá ư mới mẻ. Trong nhiều năm gần đây, chúng ta thường xuyên chứng kiến những lớp học quá đông học sinh giỏi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở nhiều địa phương cũng lên tới gần 100% trong khi chất lượng giáo dục không được hoàn hảo như những con số đó. Tình trạng này có lẽ phần đông cha mẹ học sinh đều thấu hiểu vì khi đi họp phụ huynh, giáo viên sẽ thông báo về kết quả học tập chung của học sinh cả lớp. Vậy mà rất nhiều cha mẹ học sinh vẫn tự hào đưa lên mạng xã hội khoe để được mọi người vào chúc mừng, tán dương. Tự hào về thành tích học tập của con là chính đáng song cách làm đó ẩn chứa tâm lý ham thành tích mà có lẽ không mấy người khi vui mừng đưa hình ảnh kết quả học tập của con lên mạng nhận ra.

Chúng ta đã nhắc nhiều đến bệnh thành tích trong ngành giáo dục, cụ thể là trong các nhà trường, nhưng ngay chính phụ huynh cũng là những người mắc căn bệnh trầm kha này. Vì bệnh thành tích mà bao nhiêu trẻ em bị bố mẹ ép đi học thêm, bao nhiêu trẻ chịu áp lực không được thua kém “con nhà người ta”, bao nhiêu học sinh khi tốt nghiệp THPT không được chọn trường, chọn ngành nghề theo sở thích bản thân… Chính bệnh thành tích của phụ huynh đã và đang gây sức ép lớn lên con cái vì bố mẹ là người quyết định rất nhiều thứ liên quan trực tiếp tới việc học tập của các em. Đã có những vụ học sinh tự tử hết sức đau lòng vì cảm thấy kết quả học tập không đáp ứng được kỳ vọng của người lớn. Sự kỳ vọng ấy có khi bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhất tưởng chừng như vô hại như đưa bảng điểm, phần thưởng của con lên khoe trên mạng.

Trong số những phụ huynh khoe kết quả học tập của con trên Facebook, có bao nhiêu người đã hỏi ý kiến con mình trước khi trưng với bàn dân thiên hạ những thông tin đó của các em? Không phải đứa trẻ nào cũng muốn bố mẹ đem kết quả học tập của mình cho người khác xem cho dù đó là kết quả tốt đẹp. Luật Trẻ em năm 2016 quy định nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên. Nhưng hầu hết cha mẹ các em mới để ý đến việc đăng ảnh con lên Facebook mà không nghĩ rằng những thông tin cá nhân như kết quả học tập cũng cần được con em đồng ý mới được phép công bố rộng rãi. Ngoài chuyện vi phạm luật thì khi biết được điều này, nhiều trẻ sẽ cảm thấy không thoải mái, áp lực phải có bảng điểm đẹp gia tăng...

Tự hào về thành tích học tập của con cái là một cảm giác hết sức tự nhiên và chính đáng của phụ huynh. Song biểu lộ niềm tự hào đó như thế nào để có tác dụng tích cực với con em mình và phù hợp với quy định của pháp luật là việc mà nhiều người vẫn phải học hỏi và điều chỉnh.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đằng sau những bảng điểm trên Facebook