Một năm học mới sắp bắt đầu, tin rằng ngành giáo dục, mỗi phụ huynh, học sinh sẽ nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả tốt.
Học sinh lớp 1 hân hoan gặp bạn trong ngày đầu tới trường (ảnh tư liệu)
Còn nhớ cách đây mấy năm, bức ảnh chụp một lớp tiểu học, trong đó các em học sinh đều giơ cao tờ giấy khen, chỉ có duy nhất 1 em không có giấy khen đã làm dậy sóng dư luận. Sở dĩ bức ảnh đó nhận được sự chú ý của mọi người vì nó như tấm gương phản chiếu khá chân thực "bệnh thành tích" trong giáo dục đã tồn tại từ lâu.
Lúc ấy, tôi khá tâm huyết với những ý kiến cho rằng, giáo dục đang đi ngược lại bản đồ hình kim tự tháp, theo cơ chế chọn lọc để tìm ra những người xuất sắc nhất. Vì thời chúng tôi - thế hệ đầu 8X, để có được danh hiệu học sinh giỏi, có được tấm giấy khen là rất hiếm. Càng lên bậc học cao thì số học sinh đạt được những danh hiệu trên cũng càng ít đi. Điều đáng nói là hầu như năm nào, lớp tôi học cũng có học sinh lưu ban hoặc tiếp nhận học sinh lưu ban từ các lớp trước xuống.
Thời đó, cả nhà trường, phụ huynh và học sinh đều không chịu nhiều áp lực về việc học như ngày nay. Thời đi học, tôi hầu như không nghe thấy chuyện phụ huynh "chạy" điểm cho con. Thậm chí, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.10 hằng năm, học sinh chúng tôi chỉ xin bố mẹ một số tiền rất nhỏ để mua những tấm thiệp xinh xắn, hay bó hoa tặng thầy cô thể hiện lòng biết ơn, chứ không phải là những món quà đắt giá hay phong bao.
Trở lại với tấm ảnh nêu trên, tôi thấy hầu hết mọi người đều bày tỏ phản đối "bệnh thành tích" trong giáo dục. Nhưng trên thực tế, tôi biết rằng rất nhiều người theo kiểu "bằng mặt nhưng không bằng lòng" hoặc có thể là không dám đi ngược lại xu thế. Vẫn có không ít phụ huynh ép con học, thậm chí tìm mọi cách để con có được tấm bảng điểm đẹp đẽ. Ngay như dịp hè này, tôi chắc chắn rằng nhiều em học sinh vẫn không ngơi sách vở, bởi trong các trung tâm, thậm chí là đâu đó ngay tại nhà giáo viên, bàn ghế vẫn ngả ra chào đón các em. Bên cạnh đó, bản thân các thầy cô giáo, các nhà trường vẫn chịu nhiều áp lực về thành tích giảng dạy để khẳng định thương hiệu, thu hút học sinh. Những yếu tố này khiến cho "bệnh thành tích" trong giáo dục luôn rất khó chữa và nó vẫn len lỏi trong xã hội, nó khiến cho giáo dục vẫn chứa đựng biểu hiện hình thức, không thực chất.
Để phế căn bệnh này, thời gian qua, ngành giáo dục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ trung ương đến địa phương, trong các trường học. Và mới đây nhất, tại hội nghị tổng kết năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20-21.7, bộ đã lần đầu tiên thông tin về cách đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, năm học 2022-2023, toàn quốc có hơn 9,2 triệu học sinh tiểu học. Đây cũng là năm ngành giáo dục thực hiện chương trình mới (chương trình 2018) đến lớp 3. Lớp 4 và lớp 5 vẫn học theo chương trình cũ.
Vì học sách và chương trình mới, việc đánh giá học sinh lớp 1, 2 và 3 theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, gồm bốn mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Với học sinh lớp 4 và 5, có ba mức đánh giá: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Kết quả, cả nước có hơn 105.700 học sinh tiểu học bị đánh giá ở mức thấp nhất (chưa hoàn thành), chiếm gần 1,2%. Trong đó, 50.470 em là học sinh lớp 1. Con số này ở khối lớp 2, 3 và 4 dao động 12.000-15.000 em, riêng lớp 5 thấp nhất - chỉ hơn 5.100 em. Tại Hải Dương, có 843 em ở mức chưa hoàn thành, trong đó nhiều nhất là lớp 1 có 445 em.
Theo quy định, những học sinh thuộc diện chưa hoàn thành sẽ được bồi dưỡng. Nếu đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học thì giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để kiểm tra, đánh giá. Qua đó, hiệu trưởng quyết định học sinh lên lớp hay lưu ban.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng "cách đánh giá mới phản ánh thực chất chất lượng giáo dục trên bình diện toàn quốc" và tôi cũng khá tán thành với ý kiến này. Đây cũng chính là một trong những tín hiệu tích cực cho thấy ngành giáo dục đã và đang đi đúng hướng, phản ánh thực chất và dần xa rời "bệnh thành tích" đúng như lời nhắn nhủ của người đứng đầu Chính phủ tại lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023: “Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ”.
Một năm học mới sắp bắt đầu, tin rằng ngành giáo dục, mỗi phụ huynh, học sinh sẽ nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả tốt và đặc biệt là luôn có những động thái tích cực để dạy và học ngày càng thực chất.
NGỌC THANH