Sáng 23.9 (17.8 âm lịch), tại khu di tích Kiếp Bạc, UBND tỉnh tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 721 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1300 - 2021).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm 721 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trấn Quốc Tuấn
Dự lễ có các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện một số ngành, chính quyền và nhân dân địa phương.
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lễ dâng hương năm nay được tổ chức gọn gàng, quy mô nhỏ nhưng trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống. Tại buổi lễ, các đại biểu bày tỏ lòng biết ơn, tri ân công lao to lớn của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; cầu quốc thái, dân an, dịch bệnh tiêu trừ, nhân dân ấm no, hạnh phúc...
Sáng 23.9, có rất ít du khách trong tỉnh đến chiêm bái. Người dân đến dự lễ đều được Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc nhắc nhở thực hiện tốt quy định 5K, bảo đảm giãn cách khi hành lễ. Các chốt kiểm soát tăng cường kiểm tra, không cho người tỉnh ngoài vào khu di tích.
Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của nhân dân Đại Việt vào thế kỷ 13. Với tài thao lược xuất chúng, Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo đã viết “Hịch tướng sĩ” để khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ý chí chiến đấu, quyết tâm diệt giặc, phát huy sức mạnh tổng lực của thế trận chiến tranh nhân dân, lập nên những chiến công vang dội ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp… và cuối cùng là trận Bạch Đằng Giang lừng lẫy, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ.
Người dân đi lễ ở di tích Kiếp Bạc đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào
Kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi, Hưng Đạo Đại vương cùng phu nhân về sống những năm tháng thanh bình tại tư dinh Vạn Kiếp. Tại đây, ông đã soạn sách đúc kết những kinh nghiệm quý báu, bí quyết đánh giặc giữ nước truyền lại cho hậu thế.
Hưng Đạo Đại vương luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân; hết lòng chăm lo vun đắp mối đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng xây dựng bộ máy chính quyền trung ương tập quyền đoàn kết, vững chắc; xây dựng được lực lượng quân sự hùng mạnh với những vị tướng tài ba như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và những gia thần, môn khách nổi tiếng như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão...
Do có công lao to lớn với dân tộc, Hưng Đạo Đại vương được vua Trần tiến phong, gia phong “Thượng Phụ, Thượng Quốc Công”, cho lập đền thờ khi còn sống ngay tại phủ đệ Kiếp Bạc; được Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức.
Ngày 20.8 năm Canh Tý (1300), Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mất tại Vạn Kiếp. Triều đình đã tôn phong ông là Thái sư Thượng phụ, Thượng Quốc Công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương. Nhân dân Đại Việt tôn ngài là Cửu Thiên Vũ Đế Đức Thánh Trần, lập đền thờ tưởng nhớ công lao ngay trên nền vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc.
PV - THÀNH CHUNG