Cùng với tập trung phát triển kinh tế, trong những năm qua, Hải Dương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng dân số.
Chăm sóc tốt sức khỏe người cao tuổi
Hải Dương hiện có 336.127 người cao tuổi, chiếm 17% dân số của tỉnh. Để tránh tình trạng người dân “chưa giàu đã già”, từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Ngay từ năm 2007, Hải Dương đã triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Sau gần 20 năm thực hiện, toàn tỉnh đã mở rộng và duy trì 60 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” tại 60 xã, phường, thị trấn với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: sinh hoạt định kỳ; theo dõi cân nặng, đo huyết áp cho các thành viên; cấp tờ rơi tuyên truyền các nội dung chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà và cộng đồng; hướng dẫn để người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, thành viên gia đình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…
Được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và thực hiện đề án của UBND tỉnh, từ năm 2013 đến nay, Hải Dương đã thành lập được 148 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Mô hình câu lạc bộ này có 8 mảng hoạt động, trong đó có nhiều hoạt động liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Sau nhiều năm hoạt động, mô hình câu lạc bộ đã khẳng định được hiệu quả và được đánh giá có thể triển khai ở tất cả các địa phương, thông qua đó, giúp các thành viên câu lạc bộ chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy vai trò người cao tuổi trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Sửu, thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Nam Cầu I, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho biết, từ khi tham gia câu lạc bộ, bà và các thành viên được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau nhiều kiến thức hay trong cuộc sống cũng như vấn đề chăm sóc sức khỏe. “Tôi bị bệnh cao huyết áp. Trước cứ hay phải ra Trạm Y tế xã để đo nhưng từ ngày tham gia câu lạc bộ, tôi được đo, theo dõi sức khỏe, tư vấn ăn uống, sinh hoạt phù hợp để phòng tránh biến chứng của cao huyết áp cũng như một số bệnh thông thường người cao tuổi hay mắc”, bà Sửu nói.
Hơn 3 năm qua, các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan đã triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 do UBND tỉnh ban hành tháng 12/2020 với nhiều hoạt động như tư vấn, khám và điều trị các bệnh, tật, góp phần đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng.
“Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã khám sức khỏe định kỳ cho 234.380 lượt người cao tuổi; lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho 316.344 lượt người; khám bệnh về mắt cho trên 100.000 lượt người cao tuổi, mổ thay thủy tinh thể cho gần 18.000 người; có trên 84% số người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế… Đây thực sự là những con số biết nói, cho thấy tỉnh đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”, ông Phạm Quang Sản, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết.
Việc chăm sóc tốt sức khỏe cho người cao tuổi đã góp phần nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân Hải Dương. Hiện tuổi thọ trung bình của người Hải Dương gần 75 tuổi, cao hơn 1,3 tuổi so với mức bình quân chung cả nước.
Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, giai đoạn 2010-2018, Hải Dương luôn nằm trong tốp các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh ở tốp cao nhất cả nước.
“Trước tình trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch, chương trình hành động nhằm từng bước khống chế có hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên. Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình các cấp, ngành đã chỉ đạo và phối hợp thực hiện các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”, bà Hiền cho biết.
Xác định công tác tuyên truyền là quan trọng nhất, trong những năm qua, Hải Dương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp từng nhóm đối tượng. Qua đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái và nam, nữ thanh niên đến tuổi kết hôn.
Từ năm 2014 đến nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã triển khai và phát triển, duy trì mô hình Câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu” với 34 câu lạc bộ, 1.420 thành viên, góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh nói riêng, cộng đồng nói chung về giới và bình đẳng giới, vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Là một người mẹ có 2 cô con gái, chị Đ.T.M.P, ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) vẫn thấy vui vì các con đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ. “Khi tôi sinh cháu thứ hai cũng là con gái, nhiều người trong dòng họ, người thân, người quen nói ra, nói vào và bảo tôi nên sinh thêm một con trai. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng tôi đều có quan điểm, gái hay trai đều được, miễn sao mình nuôi dạy cho con ăn học đàng hoàng, thành người có ích cho gia đình và xã hội”, chị P. chia sẻ.
Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh của Hải Dương đạt 117 bé trai/100 bé gái, giảm 1,5 điểm % so với năm 2022.
HẢI YẾN