Góc nhìn

Chất lượng dân số nhìn từ những bữa ăn bán trú

HOÀI ANH 26/12/2023 07:30

Chất lượng dân số được thể hiện ở nhiều tiêu chí, trong đó có thể lực. Chất lượng bữa ăn bán trú của trẻ có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, thể lực của trẻ, nên cũng ảnh hưởng tới chất lượng dân số.

cdn.tuoitre.vn-471584752817336320-2023-11-2-_base64-16987623959741302236448-1698891582072646146051.png
Những bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển thể lực của trẻ (ảnh minh họa)

Tuần trước việc học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 ở Bắc Hà (Lào Cai) ăn cơm chan mì tôm trong phóng sự của VTV gây xôn xao dư luận.

Thông tin báo chí nêu được cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai xác nhận là có thật, sau đó Hiệu trưởng trường này đã xin từ chức.

Chuyện những bữa ăn bán trú của học sinh ở một số trường lèo tèo thức ăn cũng từng dấy lên làn sóng dư luận hồi đầu năm học, trong đó có cả băn khoăn của phụ huynh học sinh Hải Dương.

Nếu vì nguồn đóng góp của phụ huynh hạn hẹp mà chất lượng bữa ăn không bảo đảm thì nhiều người đồng cảm, thương cho học sinh. Còn nếu khẩu phần ăn bị cắt xén bởi lòng tham của người có trách nhiệm thì dư luận bức xúc, phẫn nộ.

Tôi cũng từng cho con ăn bán trú tại trường và thỉnh thoảng nghe cháu phàn nàn rằng cơm hôm nay chán lắm, thức ăn khô, cứng khó ăn...

Rất khó để phụ huynh đánh giá chất lượng bữa ăn của nhà trường bởi khẩu vị mỗi trẻ một khác. Định lượng khẩu phần ăn có đủ hay không phụ huynh cũng ít cơ cơ hội kiểm tra, nên chủ yếu đặt lòng tin vào nhà trường. Vì thế mới có những chuyện gây bức xúc như ở trường Hoàng Thu Phố 1 (Lào Cai).

Bữa ăn bán trú có quan trọng với quá trình phát triển của trẻ không? Câu trả lời là rất quan trọng. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong một hội thảo về bữa ăn bán trú tại trường mầm non, có khoảng 90% số trẻ mầm non ăn bán trú tại trường. Tại Hải Dương, con số này là 99,8%. Ngoài trẻ mầm non thì nhiều trường tiểu học tỷ lệ học sinh từ lớp 1 – 3 ăn bán trú cũng đạt hơn 90%.

Như vậy, trong thời kỳ phát triển quan trọng của trẻ, ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, yếu tố dinh dưỡng trong nhà trường có thể chiếm tới 40-50% đối với trẻ ăn bán trú.

Có một thực tế là, hiện nay vì nhiều lý do mà ngay cả bữa ăn tại gia đình của nhiều trẻ cũng chưa hẳn đã bảo đảm dinh dưỡng theo khoa học. Có xu hướng khẩu phần ăn quá nhiều thịt cá, ít rau xanh, nhiều trẻ lạm dụng thức ăn nhanh, đồ ngọt… dẫn đến hiện tượng trẻ bị thừa cân, béo phì hoặc nhiều gia đình vì hoàn cảnh kinh tế hoặc eo hẹp về thời gian, chưa bảo đảm những bữa ăn đủ chất cho trẻ.

Nếu như bữa ăn bán trú tại trường lại không bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng sẽ dẫn đến nhiều trẻ phát triển hoặc còi cọc, ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và cả sự phát triển của trí tuệ.

Có nhiều tiêu chí để đánh giá chất lượng dân số, trong đó có thể lực, gồm nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có các số đo về chiều cao, cân nặng, sức mạnh, tốc độ, sức bền, sự khéo léo… Tất nhiên khi đã có cơ thể khỏe mạnh, thì các yếu tố như trí lực, tinh thần cũng sẽ được cải thiện.

Nói như vậy để thấy, chuyện bữa ăn bán trú của học sinh tưởng đơn giản, mà ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, sự phát triển của các em và cả chất lượng dân số.

Bảo đảm bữa ăn bán trú cho học sinh, không nên chỉ là khẩu hiệu, quyết tâm trong các báo cáo mà cần được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể. Chí ít là không để những câu chuyện đáng tiếc như ở trường Hoàng Thu Phố 1 và một vài trường từng bị báo chí nêu về chất lượng bữa ăn bán trú xảy ra trong thời gian gần đây.

HOÀI ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất lượng dân số nhìn từ những bữa ăn bán trú